Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, tình hình thị trường hàng hóa trước, trong và sau Tết năm nay cơ bản ổn định, hầu hết các mặt hàng không có biến động lớn. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai nhiều chương trình khuyến mại, chuẩn bị nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại và số lượng nhằm kích cầu người dân mua sắm hàng hóa dịp Tết. Theo đó, trong suốt dịp Tết Nguyên đán, Sở Công thương đã theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp Tết.
Cửa hàng OCOP Tâm Hương cung cấp đa dạng các loại thực phẩm tươi sống đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Cùng với đó, đôn đốc các doanh nghiệp, đơn vị phân phối lớn trên địa bàn tỉnh tăng cường dự trữ hàng hóa với số lượng tăng 30% so với các tháng khác. Các mặt hàng dự trữ gồm gạo tẻ, gạo nếp, thịt lợn, thịt bò, bánh, kẹo, nước giải khát, dầu thực vật, muối, rau, củ, quả, trái cây... Trong kỳ nghỉ Tết, Sở Công thương cũng đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh và các ngành chức năng kiểm tra, giám sát thị trường đối với lĩnh vực giá, chất lượng sản phẩm, việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, kinh doanh xăng dầu và hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết. Nhờ đó, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh dịp trước, trong và sau Tết cơ bản ổn định, tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm.
Qua tìm hiểu thực tế tại một số chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Tuyên Quang như: chợ Tam Cờ, chợ Phan Thiết, chợ An Phú... từ sáng mùng 2 Tết, các mặt hàng rau xanh, củ, quả và thủy, hải sản đã được nhiều tiểu thương bày bán trở lại và rất “hút” khách. Ngoài ra, theo phong tục truyền thống, người dân thường đi lễ dịp đầu năm mới nên các mặt hàng, như hoa, quả tươi, bánh kẹo phục vụ việc đi lễ cũng được nhiều người tìm mua. So với thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thủy hải sản, rau, củ, quả các loại có sự tăng giá nhẹ với mức tăng từ 5 - 15% (tùy mặt hàng).
Tuy nhiên, từ khoảng mồng 6 tháng Giêng, giá bán hầu hết các mặt hàng này đều đã giảm dần và hiện đang giữ ổn định so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Cụ thể, hiện giá thịt lợn nạc dao động từ 120 - 150 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ từ 120 - 135 nghìn đồng/kg, thịt bò loại 1 giá từ 250 - 300 nghìn đồng/kg; thịt gà công nghiệp làm sẵn giá 65 - 90 nghìn đồng/kg; cá trắm, cá chép có giá 60 - 70 nghìn đồng/kg, tôm có giá 350 - 450 nghìn đồng/kg...
Sau Tết thị trường hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định.
Thực hiện hướng dẫn của ngành chức năng, các chợ đều chủ động phương án về nguồn hàng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, niêm yết giá, an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường sau Tết. Chị Nguyễn Thị Phương, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng thủy hải sản tại chợ Tam Cờ cho biết: Sau Tết, số tiểu thương trở lại kinh doanh tại các chợ chưa nhiều, trong khi đó, người dân thường có xu hướng mua mặt hàng thủy, hải sản để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Vì vậy, đối với các loại thủy, hải sản từ mùng 2 đến mùng 6 Tết, giá bán tăng 10 - 15% so với thời điểm trước Tết. Thời điểm này, giá bán đã cơ bản ổn định so với thời điểm trong năm.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, phần lớn các siêu thị, trung tâm thương mại phục vụ khách hàng đến hết ngày 30 Tết và mở cửa trở lại từ ngày mùng 4 Tết. Theo đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại, sức mua những ngày sau Tết năm nay cao hơn so với năm trước, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả và các loại bánh kẹo phục vụ người dân du xuân đi lễ đầu năm. Các siêu thị như Winmart và Winmart+, Siêu thị Tuyên Quang đã chủ động dự trữ nguồn hàng bảo đảm cho thị trường sau Tết, cũng như tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mại, kích cầu sau thời gian nghỉ Tết.
Cùng với việc đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa, không xảy ra hiện tượng khan hiếm, sốt giá cục bộ hàng hóa thiết yếu, công tác kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường cũng được các lực lượng chức năng chú trọng. Sở Công thương cùng với các sở, ban, ngành và các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến cung - cầu, giá cả hàng hóa để điều tiết thị trường.
Gửi phản hồi
In bài viết