Cơ duyên với nghề
Chị Nguyễn Thị Thơm. |
Trong căn phòng nhỏ gọn gàng cũng là nơi làm việc hàng ngày của điều dưỡng Nguyễn Thị Thơm với các bạn nhỏ của mình. Chị nhiệt tình giới thiệu, ngăn này là các đồ chơi giúp tăng khả năng tập trung, ngăn kia là thẻ tranh từ ngữ, đây là bộ toán học… Còn đây là ghế ngồi của các em, các cô ngồi ghế thấp hơn, mặt đối mặt để các em tập trung, chú ý giao tiếp bằng mắt trong quá trình điều trị.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thơm sinh ra trong một gia đình đông con ở Yên Bái. Sau khi học xong trung cấp y, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị có 3 năm đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, khi ấy chị là một điều dưỡng viên trong một bệnh viện dưỡng lão. Năm 2009, sau khi hết hợp đồng làm việc, chị về nước và xin vào học việc tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen, nơi chị đã có một thời gian gắn bó khi là một thực tập sinh.
Suốt quá trình làm việc, chị không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề, tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phục hồi chức năng, ngôn ngữ trị liệu.
Chị Thơm bảo: “Công việc này nếu không có tình yêu thương, sự thấu hiểu và kiên trì thì không thể làm được bởi dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy và điều trị cho trẻ tự kỷ khó hơn gấp nhiều lần. Ngoài kỹ năng chuyên môn, mỗi điều dưỡng viên phải trở thành một người mẹ, một người bạn gần gũi, thân thiết và đồng cảm. Hơn nữa, mỗi trẻ đến đây sẽ có một câu chuyện khác nhau, tình trạng khác nhau nên không thể máy móc trong việc điều trị mà phải linh hoạt thay đổi sao cho phù hợp”.
Vừa sắp xếp lại căn phòng nhỏ sao cho ngăn nắp, chị vừa chia sẻ, khó khăn nhất vẫn là làm thế nào để phối hợp được với gia đình để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất. Dù các em có đến đây hàng ngày nhưng các em vẫn cần đi học, cần vui chơi, giao tiếp, cần yêu thương và chăm sóc như bao đứa trẻ bình thường khác. Khi được hỏi có bao giờ cảm thấy công việc căng thẳng, mệt mỏi không? chị Thơm lắc đầu và nở nụ cười đầy thấu hiểu. Chị tâm sự, “nhiều em đường xá xa xôi đến đây mang theo bao kỳ vọng của gia đình, mình luôn nghĩ làm thế nào để giúp các em điều trị tốt nhất, sớm hòa nhập cộng đồng thôi”.
Một giờ can thiệp trị liệu của điều dưỡng Nguyễn Thị Thơm với trẻ tự kỷ.
Thấu hiểu và yêu thương
Hội chứng tự kỷ nếu phát hiện càng sớm thì khả năng điều trị và phục hồi càng cao. Đối với những trẻ phát hiện muộn, tình trạng nặng thì phải điều trị kéo dài thì mới có thể tiến bộ.
“Bà ơi, hôm nay con học các con vật, bà về cho con ôn lại nhé!”, “Mẹ ơi hôm nay con học đầu, mặt, mũi, các bộ phận trên cơ thể nhé!”… Trước khi gửi các con về với gia đình sau thời gian điều trị tại bệnh viện, điều dưỡng Thơm lại ân cần dặn dò phụ huynh như thế.
Chị bảo, gia đình phối hợp tốt thì hiệu quả điều trị mới cao. Nhiều khi điều dưỡng viên vừa chăm sóc, điều trị cho các bé, vừa phải làm công tác tư tưởng cho gia đình. “Gia đình chấp nhận sớm tình trạng của con thì khả năng phối hợp càng cao. Có gia đình bố mẹ chấp nhận, nhưng ông bà không chấp nhận. Có phụ huynh chưa hiểu về chứng tự kỷ nên chỉ đưa con đến điều trị 1, 2 buổi rồi nghỉ… thật buồn”.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thơm đã có 15 năm gắn bó với công việc chữa lành cho trẻ tự kỷ.
Dạy trẻ tự kỷ có nhiều cái khó bởi trẻ khiếm khuyết về giao tiếp, về ngôn ngữ, có những hành vi bất thường, không tập trung, trẻ chậm phát triển tinh thần. Mỗi điều dưỡng như chị Thơm ngoài việc trở thành một người thân gắn bó thì còn phải linh hoạt ứng xử với từng em, thường xuyên thay đổi trong cách thức điều trị.
Khi thấy được sự thay đổi, tiến bộ từng ngày của trẻ đó là thành quả ngọt ngào nhất mà công việc gian nan, vất vả hàng ngày mang lại. Đó là những bạn bị tăng động giảm chú ý, kém tập trung có thể giao tiếp bằng ánh mắt; các bạn chậm nói bắt đầu nói được những từ đơn, câu ngắn; nhiều cháu vào viện trong tình trạng rất nặng dần dần có thể phản ứng với những sự vật, sự việc xung quanh, biết thể hiện nhu cầu tình cảm của mình… Tất cả là niềm vui, hạnh phúc, cũng là động lực để mình gắn bó với công việc đến ngày hôm nay - chị Thơm tâm sự.
Dạy và điều trị cho trẻ tự kỷ là một hành trình dài nhiều gian nan và muôn vàn thử thách đòi hỏi sự kiên trì, tận tâm và hết lòng của mỗi điều dưỡng, y, bác sỹ. 15 năm gắn bó với công việc điều dưỡng cũng là từng ấy năm điều dưỡng Nguyễn Thị Thơm kiên trì chữa lành chứng tự kỷ bằng liệu pháp yêu thương. Đó là công việc cần mẫn “lấp đầy” những khiếm khuyết, giúp các em nhỏ lớn lên trọn vẹn yêu thương và sớm được hòa nhập với cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết