Điểm sáng làm đường giao thông
Những năm gần đây, Ngọc Hội là một trong những xã về đích sớm nhất so với kế hoạch bê tông hóa đường giao thông nông thôn của huyện. Năm 2022, Ngọc Hội được giao chỉ tiêu bê tông hóa trên 2,5 km đường giao thông nông thôn và đường nội đồng, chưa hết 6 tháng đầu năm, xã đã hoàn thành kế hoạch, về đích sớm trước nửa năm. Đồng chí Trần Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Công tác dân vận chính quyền rất quan trọng. Chúng tôi xác định, dân vận không phải là nhiệm vụ của cán bộ khối Đảng, đoàn thể mà của cả hệ thống chính trị, của từng công chức. Trên cương vị, chức trách được giao, mỗi cán bộ, công chức đều phải làm dân vận”. Mỗi cán bộ, công chức của xã đều thực hiện đúng quy định phụ trách, theo dõi, bám nắm thôn, dự họp với thôn vừa tuyên truyền các chủ trương, chính sách của cấp trên vừa nắm tình hình ở cơ sở kịp thời. Từ đó làm tốt công tác tham mưu với Đảng ủy, UBND xã trên từng lĩnh vực công tác.
Anh Ma Văn Oách, công chức Địa chính - Xây dựng xã cho biết, trong những ngày làm đường bê tông nông thôn và đường nội đồng, anh dành thời gian đi tất cả các thôn có tuyến đường phải làm để nắm bắt tình hình, giải thích cho cán bộ thôn và nhân dân hiểu chủ trương, chính sách hỗ trợ làm đường. Bởi vậy, khó khăn, vướng mắc đến đâu đều được anh báo cáo ngay với lãnh đạo UBND xã. Nhờ sự sâu sát của cán bộ, công chức xã, thôn, nhân dân đều phấn khởi, đồng thuận cao, nhiệt tình đóng góp sức người, sức của để thôn làm đường.
Tuyến đường bê tông ở thôn Nà Ngà, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Thôn Nà Ngà vừa hoàn thành 600 mét đường bê tông nông thôn. Đây là thôn có 5 hộ phải giải phóng mặt bằng để thôn mở rộng lòng đường. Đích thân Chủ tịch Hiếu cùng cán bộ thôn đến từng nhà có đất phải giải phóng mặt bằng để vận động. Anh Hiếu cũng nhiều lần xuống họp cùng với nhân dân thôn Nà Ngà. Nhận thức được ý nghĩa của tuyến đường, 5 hộ đã tự nguyện hiến 1.000 m2 đất vườn, đất ruộng để thôn mở đường. Đặc biệt, có 8 hộ được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến đường đã tự nguyện đóng góp mỗi hộ 20 triệu đồng để thôn mua vật liệu, thuê máy móc làm đường.
Từ sự đồng thuận của nhân dân, từ đầu năm đến nay, nhân dân đã đóng góp 1 tỷ 357 triệu đồng để làm đường. Hiện nay, đường trục xã ở Ngọc Hội đã kiên cố hóa đạt 71%, đường trục thôn bê tông hóa đạt 76%, đường ngõ xóm bê tông hóa đạt 66%, đường nội đồng bê tông hóa đạt 46%. Toàn xã phấn đấu đến hết năm 2022, đường trục xã sẽ kiên cố hóa đạt 100%, đường trục thôn bê tông hóa 80%, đường ngõ xóm và nội đồng bê tông hóa từ 70% trở lên.
Đa dạng các mô hình kinh tế
UBND, các tổ chức chính trị - xã hội xã Ngọc Hội đã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện để nhân dân được tiếp cận các nguồn vốn vay, khoa học kỹ thuật để xây dựng các mô hình kinh tế có giá trị cao, nâng cao thu nhập. Chủ tịch UBND xã Trần trung Hiếu cho biết, phấn đấu hết năm 2022, Ngọc hội giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12% nên những năm gần đây, cán bộ, công chức xã và cán bộ thôn đã vận động nhân dân đa dạng hóa các mô hình kinh tế.
Hiện nay, toàn xã có 560 hộ dân được vay vốn với tổng dư nợ 20,3 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Trung bình mỗi năm, xã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức từ 6 đến 10 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Trên địa bàn xã hiện có 1 trang trại tổng hợp được chứng nhận, 56 mô hình nuôi cá lồng, giun quế, gà, vịt đẻ trứng, nuôi lợn thịt, trâu vỗ béo...
Từ công tác dân vận chính quyền, người dân ở Ngọc Hội đã năng động hơn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
(Trong ảnh: Mô hình nuôi lợn thịt của hộ ông Nguyễn Thanh Sơn, thôn Đầm Hồng 1, xã Ngọc Hội).
Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ trang trại nuôi lợn thịt thôn Đầm Hồng 1 cho biết, trước đây, gia đình ông nhận thầu một ao nuôi cá. Sau khi tham gia một lớp tập huấn về chăn nuôi lợn thịt, ông quyết định làm thêm chuồng trại chăn nuôi lợn. Ông được xã tạo điều kiện vay 350 triệu đồng để làm vốn ban đầu theo Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh. Chỉ sau 3 năm, lợn bán được giá ông đã trả hết nợ. Mỗi năm, trang trại của ông Sơn xuất bán trên 30 tấn lợn thịt, gần 7 tấn cá các loại, thu về gần 700 triệu đồng/năm. Ông Sơn chia sẻ: “Công tác dân vận của xã đi vào những việc cụ thể chứ không phải chỉ hô hào, khẩu hiệu. Bởi vậy, gia đình tôi được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, được biết về các chính sách hỗ trợ vay vốn”.
Năm 2019, chị Hoàng Thị Thiết, thôn Nà Bây bị thua lỗ hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi gà thịt do giá gà giảm mạnh. Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi mô hình từ nuôi gà thịt sang nuôi giun trùn quế và được hưởng các chính sách cho vay vốn của Ngân hàng CSXH, chị Thiết quyết định vay 150 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để chuyển đổi từ nuôi gà thịt sang nuôi giun quế. Hiện nay, mô hình nuôi giun quế của chị Thiết mỗi tháng cho thu lãi từ 25 đến 30 triệu đồng. Chị Thiết cũng đã trả hết nợ của ngân hàng và có vốn liếng mở rộng khu nuôi giun quế lên 300 m2.
Hiệu quả của công tác dân vận chính quyền ở Ngọc Hội đã làm thay đổi nhận thức về dân vận của chính đội ngũ cán bộ, công chức xã, giúp công tác dân vận có trọng tâm, trọng điểm, vừa huy động sức dân xây dựng hạ tầng, vừa khơi dậy nội lực của nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Gửi phản hồi
In bài viết