Thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ giao khoán bảo vệ trên 85 nghìn ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ cho 4.104 hộ dân tộc thiểu số, tổng kinh phí hỗ trợ trên 132 tỷ đồng.
Nhờ việc giao khoán bảo vệ rừng đến từng thôn và từng hộ gia đình đã hạn chế được các vụ phá rừng phức tạp, nhân dân vừa có thêm nguồn thu nhập từ rừng vừa nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng.
Người dân thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) kiểm tra khu rừng được giao khoán.
Huyện Yên Sơn hiện có gần 4 nghìn ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ được giao khoán cho nhân dân bảo vệ. Đồng chí Trần Duy Khánh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Sơn cho biết, trước đây, diện tích rừng được giao về cho UBND các xã quản lý nên công tác quản lý ở một số nơi còn lỏng lẻo, việc tuần tra, kiểm soát rừng không được thường xuyên nên xảy ra nhiều vụ vi phạm lâm luật nghiêm trọng. Nhưng từ khi thực hiện giao khoán rừng đến từng thôn và hộ gia đình đứng ra ký cam kết với xã nhận giao khoán bảo vệ rừng, công tác bảo vệ rừng đi vào nền nếp, không còn nhiều vụ phá rừng quy mô, phải xử lý hình sự.
Xã Kim Quan hiện có trên 400 ha rừng phòng hộ và rừng tự nhiên được giao khoán bảo vệ cho 17 hộ ở 5 thôn. Đồng chí Trọng Văn Vĩnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, từ năm 2018, xã bắt đầu giao khoán bảo vệ rừng về cho các thôn. Ban Phát triển rừng ở các thôn phân công các hộ gia đình hàng tuần đi tuần tra, quản lý rừng. Nhờ thế đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm phạm rừng từ sớm. Nếu như trước đây, trên địa bàn xã Kim Quan để xảy ra những vụ việc phá rừng quy mô lớn thì từ năm 2018 đến nay trên địa bàn xã không có các vụ việc vi phạm pháp luật về rừng xảy ra. Ông Vi Văn Túc, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Khuôn Hẻ cho biết, ông được giao khoán bảo vệ 30 ha rừng phòng hộ. Tuy ông chỉ nhận được mức hỗ trợ 400 nghìn đồng/năm/ha nhưng đó cũng là một khoản thu nhập để động viên ông và nhiều hộ dân ở đây gắn bó với công tác bảo vệ rừng. Hàng tuần ông Túc cùng với các hộ dân trong thôn chủ động xây dựng kế hoạch đi tuần rừng và đều có đánh giá, rút kinh nghiệm công tác đi tuần rừng, bảo vệ rừng hàng tháng.
Huyện Chiêm Hóa hiện có trên 27 nghìn ha rừng tự nhiên được giao khoán cho nhân dân bảo vệ với kinh phí hỗ trợ giao khoán trên 10 tỷ đồng/năm. Đồng chí Kim Ngọc Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa cho biết, đời sống của người dân được giao khoán nâng lên đáng kể. Nhân dân rất phấn khởi khi thực hiện chính sách này. Nếu so sánh với khi chưa thực hiện chính sách giao khoán cho người dân thì đến nay, công tác phòng chống cháy rừng trong cộng đồng dân cư được thực hiện tốt hơn, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm. Nhiều nơi, người dân sử dụng nguồn hỗ trợ từ giao khoán bảo vệ rừng để xây dựng các công trình hạ tầng như nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn.
Tuyến đường thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) được bê tông hóa từ kinh phí nhân dân được khoán bảo vệ rừng.
Xã Hùng Mỹ là điểm sáng trong công tác giao khoán bảo vệ rừng. Hiệu quả của việc giao khoán bảo vệ rừng đó là những cánh rừng tự nhiên, phòng hộ nhiều năm qua được nhân dân bảo vệ nguyên vẹn, không có chặt, phá rừng, cháy rừng xảy ra. Từ kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng của Nhà nước, người dân không sử dụng vào việc riêng của gia đình mà bảo nhau đóng góp để làm đường, làm nhà văn hóa. Thôn Cao Bình có 40 hộ dân được giao khoán bảo vệ 200 ha rừng tự nhiên. Người dân ở đây chia thành 4 nhóm hộ để quản lý. Mỗi nhóm có 10 hộ gia đình. Các nhóm hộ chia nhau đi tuần theo từng tuyến rừng. Từ năm 2019 đến nay, từ nguồn kinh phí hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng, người dân ở đây đã làm được gần 1.000 mét đường bê tông nội thôn và làm nhà văn hóa. Ông Lương Văn Biên, người dân ở thôn Cao Bình được giao khoán bảo vệ 10 ha rừng cho biết, từ khi nhận rừng giao khoán bảo vệ, ông đã tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân tham gia bảo vệ rừng, kịp thời tố giác những hành vi xâm phạm đến rừng. Từ khi có con đường bê tông mới, nhà văn hóa mới, ông Biên và nhiều hộ dân ở Cao Bình đều ý thức được trách nhiệm phải giữ rừng và làm tốt công tác bảo vệ rừng được Nhà nước giao khoán.
Từ khi tỉnh triển khai chính sách giao khoán bảo vệ rừng đã đánh dấu sự chuyển biến trong công tác bảo vệ rừng. Cùng với nhiều giải pháp bảo vệ rừng khác, giao khoán bảo vệ rừng đến hộ gia đình đã và đang thực sự mang lại hiệu quả, nâng tầm nhận thức và tự giác của mỗi người dân trong công tác bảo vệ rừng.
Gửi phản hồi
In bài viết