Thi đua trồng cây gây rừng
Lễ phát động Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” và hưởng ứng “Tết trồng cây” Xuân Tân Sửu năm 2021 vừa được tổ chức tại tổ 3, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo tỉnh và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, theo Đề án trồng ít nhất 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có gần 700 triệu cây xanh được trồng phân tán ở khu vực đô thị và nông thôn và hơn 300 triệu cây xanh trồng rừng tập trung. Tuyên Quang, Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến được kỳ vọng sẽ là địa phương về đích đầu tiên của chương trình này. Mỗi cây xanh là niềm tin, là hy vọng của người dân gửi gắm để tiếp tục phát triển quốc kế dân sinh trên địa bàn, tiếp tục phát huy truyền thống của vùng đất cách mạng.
Công nhân Công ty Lâm nghiệp Tân Phong (Hàm Yên) lựa chọn cây giống phục vụ trồng rừng 2021.
Ngay sau lễ phát động, khí thế thi đua trồng cây xanh, đặc biệt là trồng cây gây rừng sôi động khắp các địa phương. Xã Hùng Đức, một trong những địa phương có kế hoạch trồng rừng lớn nhất tỉnh với tổng diện tích trồng rừng 295 ha, trong đó 290 ha rừng tập trung và 5 ha rừng phân tán. Đi qua các thôn Uổm Tưởn, Cây Thông... đều bắt gặp nông dân nô nức lên đồi trồng cây. Ông Hà Xuân Thường, thôn Uổm Tưởn hứng khởi bảo, hơn 1 ha rừng đã khai thác từ trước Tết, xuân sang tiết trời mưa ẩm rất thuận lợi cho việc trồng rừng nên gia đình tập trung nhân lực trồng rừng trở lại. Chu kỳ rừng này ông Thường tập trung trồng 2 giống gồm keo hạt ngoại theo chương trình hỗ trợ của tỉnh và bạch đàn mô cao sản.
Đồng chí Đặng Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Đức cho rằng, thời tiết thuận lợi, hơn nữa đã có 70% diện tích đất được giải phóng sẽ là điều kiện để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng ngay trong vụ xuân. Rời Hùng Đức về các xã Phú Thịnh, Trung Sơn, Kim Quan (Yên Sơn) không khí trồng rừng nhộn nhịp không kém. Khắp các nẻo đường thôn, từng tốp người kéo nhau ngược núi đưa cây non lên trồng.
Đồng chí Phạm Ngọc Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh hồ hởi cho biết, mưa xuân xuống, thời tiết mát mẻ, ai nấy đều tranh thủ trồng cây, bởi nếu để nắng lên, tỷ lệ cây sống không cao nên thời điểm này rừng khai thác đến đâu, bà con tập trung nhân lực thu dọn thực bì, cuốc hố trồng rừng lại ngay đến đó. Sự khẩn trương nên Phú Thịnh luôn là địa phương dẫn đầu về tiến độ trồng rừng trên địa bàn huyện Yên Sơn.
Cho rừng thêm xanh
Năm 2021, tỉnh có kế hoạch trồng mới 10.350 ha rừng, trong đó 10.000 ha rừng tập trung, 350 ha rừng phân tán. Hiện đã có 8,5 triệu cây giống đã được gieo ươm đáp ứng nhu cầu trồng rừng của các chủ rừng và các hộ gia đình.
Ghi nhận từ các địa phương, năm nay, thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh về giống cây chất lượng, bà con đã chủ động bỏ vốn để đầu tư. Ông Phạm Ngọc Luật, thôn Trung Thành, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) cho biết, 4 ha rừng vừa khai thác sẽ được ông tái trồng bằng các giống chất lượng cao gồm keo hạt ngoại, keo lai mô và bạch đàn mô cao sản. Riêng đối với những lô rừng đã trồng 2 chu kỳ keo, ông Luật chuyển sang trồng bạch đàn mô cao sản. Ông Luật cho rằng, chuyển đổi cơ cấu giống từ keo sang bạch đàn sẽ ngăn chặn sâu, bệnh, nấm mốc truyền nhiễm sang cây non gây ra bệnh keo chết héo vốn đã xuất hiện.
Gia đình anh Triệu Văn Bộ, thôn Minh Thái, xã Thái Sơn (Hàm Yên) cũng mạnh dạn bỏ vốn mua cây giống chất lượng cao để thực hiện mục tiêu trồng rừng gỗ lớn. Anh Bộ bảo, cây keo hạt ngoại giá 1.200 đồng/cây; bạch đàn mô cao sản 3.000 đồng/cây nhưng đổi lại cây tốt, sạch bệnh, cây trồng dễ sống, đảm bảo tỷ lệ thành rừng cao.
Nâng cao tỷ lệ thành rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu các hạt, trạm kiểm lâm, công ty lâm nghiệp tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống các địa phương, tổ đội kiểm tra xử lý thực bì, quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây. Đồng thời hướng dẫn người dân trồng rừng theo đúng quy cách, kỹ thuật. Thực tế, trong 2 năm trở lại đây tại một số địa phương xuất hiện tình trạng người dân trồng rừng quá dày với mật độ trên 2.000 cây/ha, trong khi theo quy trình kỹ thuật keo lai giâm hom, keo lai nuôi cấy mô mật độ 1.100 cây/ha, cây cách cây 3 x 3 m; keo hạt mật độ cũng chỉ 1.660 cây/ha, cây cách cây 2 x 3 m... Trồng mật độ dày, chi phí giống tốn kém, quá trình sinh trưởng phát triển, cây quang hợp kém dẫn đến sức đề kháng yếu sẽ rất dễ nhiễm sâu, bệnh hại.
Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh thực hiện mục tiêu trồng mới 48.500 ha rừng, phát triển rừng gỗ lớn đạt 45% diện tích trồng toàn tỉnh và có khoảng 20% diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC. Để thực hiện mục tiêu này, giải pháp quan trọng nhất để bảo đảm tiến độ trồng rừng, gia tăng tỷ lệ che phủ rừng trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gỗ rừng trồng giữa người dân và doanh nghiệp, bảo đảm rừng khai thác đến đâu được trồng ngay đến đó, không cho đất nghỉ; cân bằng giữa khai thác và trồng rừng, gắn phát triển rừng với đa dạng hệ sinh thái, phòng chống cháy rừng, bảo đảm khai thác các nguồn lợi từ rừng, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.
Tại Lễ phát động Tết trồng cây xuân Tân Sửu 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với truyền thống sản xuất lâm nghiệp và sự cần cù, chịu khó, sáng tạo của người dân, Tuyên Quang đã trở thành điểm sáng, điển hình trong phong trào trồng rừng của cả nước. Thủ tướng tin tưởng Tuyên Quang sẽ trở thành cứ điểm ngành gỗ của Việt Nam, đóng góp quan trọng cho hành trình phát triển xanh của đất nước trong giai đoạn tới.
Bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương, chủ rừng, hộ gia đình trên địa bàn rà soát quỹ đất, trên cơ sở đó lập kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện để trồng rừng. Ngay trong những ngày đầu xuân mới, gần 100 ha rừng được trồng. Với tiến độ này, kế hoạch trồng mới 10.350 ha rừng sẽ sớm được hoàn thành, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Hoàng Văn Niên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương
Năm nay, huyện Sơn Dương tiếp tục trồng mới 1.780 ha rừng, trong đó trồng rừng sản xuất tập trung 1.700 ha, trồng cây phân tán 80 ha. Sau khi được giao chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng của tỉnh, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, các xã rà soát đất trống có khả năng trồng rừng để đưa vào kế hoạch trồng rừng năm 2021; phân công cán bộ phụ trách từng thôn kiểm tra tiến độ sản xuất, chất lượng cây giống, tuyên truyền, khuyến khích người dân đầu tư thâm canh và sử dụng giống cây chất lượng cao trồng rừng sản xuất, tranh thủ thời tiết thuận lợi trồng rừng ngay trong khung thời vụ. Đến nay, toàn huyện đã gieo ươm được trên 1,6 triệu cây giống, trong đó đã có trên 1 triệu cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Huyện phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng vụ xuân trước ngày 30-6-2021.
Ông Phùng Văn Quyết, thôn Bản Giảo, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa)
Gia đình tôi chuyển đổi 12 ha đất trồng sắn và cây tạp sang trồng keo. Đến năm 2015 thu hoạch 3 ha keo trừ chi phí thu lãi hơn 100 triệu đồng. Năm 2018, gia đình tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn Quốc tế (FSC), các quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch theo hướng trồng rừng gỗ lớn giúp cho năng suất, giá trị gỗ rừng trồng ngày càng được nâng lên. Theo tính toán, 1 ha rừng gỗ nhỏ, 5 năm khai thác lãi khoảng 35 - 40 triệu đồng/ha nhưng cũng 1 ha rừng trồng gỗ lớn khoảng 7 - 10 năm khai thác lãi từ 70 - 75 triệu đồng/ha. Thêm vào đó là khi trồng rừng gỗ lớn, lợi ích ban đầu thấy rõ đó là giảm được chi phí đầu tư khá lớn từ cây giống, phân bón và công chăm sóc.
Gửi phản hồi
In bài viết