Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ doanh nghiệp tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh.
Tính đến giữa tháng 7-2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tuyên Quang đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 140 doanh nghiệp, đạt 43,75% kế hoạch, với số vốn đăng ký trên 1,079 tỷ đồng. Tổng số lao động đăng ký 2.284 lao động, số doanh nghiệp hoạt động trở lại 69 doanh nghiệp, giải thể 15 doanh nghiệp, tạm ngừng 139 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là 2.518 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 28.500 tỷ đồng (trong đó có 15 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài).
Giai đoạn 2020 -2022, Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang, xã Trung Môn (Yên Sơn) đã nghiên cứu triển khai sản xuất gỗ ván sàn xuất khẩu. Nhờ được tiếp cận 1 tỷ đồng từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, lò sấy gỗ, nhà nén khí, dây chuyền sản xuất nhập khẩu với công suất thiết kế 1.278 m3 gỗ ghép tấm lau dầu/năm. Dự án hoàn thành với tổng vốn đầu tư hơn 19 tỷ đồng. Năm 2023, công ty phấn đấu doanh thu đạt khoảng 26 tỷ đồng/năm. Đây là mô hình điểm về sản xuất gỗ ván sàn trên địa bàn tỉnh và được các cấp, ngành khuyến khích nhân rộng.
Anh Lê Văn Quyền, Giám đốc Công ty TNHH Long Thắng, xã Ninh Lai (Sơn Dương) phấn khởi cho biết, trước đây công ty chỉ tập trung sản xuất gạch tuynel. Từ năm 2019 nhờ được hỗ trợ 1 tỷ đồng từ Quỹ Khuyến công quốc gia, công ty đã mạnh dạn bỏ vốn để mở ngành nghề sản xuất ván ép xuất khẩu. Toàn bộ dây chuyền sản xuất ván ép xuất khẩu được công ty đầu tư trên 22 tỷ đồng, với công suất 100 m3/ngày (tương đương 24.500 m3/năm). Sản phẩm ván được dùng chủ yếu trong xây dựng, khả năng chịu nước và độ bền cao, có thể tái sử dụng được nhiều lần. Có sản phẩm mới công ty nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2022, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 10-3-2023 về phê duyệt kinh phí và giao nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2023. Các nghị quyết và quyết định tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới, chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp như: Miễn phí trả kết quả thủ tục hành chính; hỗ trợ công nghệ cho các doanh nghiệp; chi các hoạt động kinh tế để các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm việc cho doanh nghiệp được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong thẩm định, đăng ký số doanh nghiệp và mã số thuế. Đặc biệt, thời gian đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp hiện đã được thực hiện điện tử, rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 2 ngày làm việc.
Công ty TNHH MSA-YB, Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) thi đua lao động sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Lê Đức Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Tam Sinh Phát, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Công ty của tôi vừa được thành lập trong tháng 7, ngành nghề kinh doanh là lĩnh vực xây dựng. Về các thủ tục hành chính tôi thấy đã rút ngắn hơn trước rất nhiều. Điều này giúp tôi có nhiều thời gian hơn để tập trung vào kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp mới thành lập còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1 con dấu pháp nhân lần đầu và chữ ký số sử dụng trong 3 năm đầu tiên sau khi thành lập. Giá trị con dấu và chữ ký số cho 1 doanh nghiệp là 4 triệu đồng.
Các sở, ngành, địa phương đã kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân để có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp. Theo đồng chí Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương, Sở cũng đã giới thiệu, hướng dẫn hồ sơ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị từ nguồn ngân sách Trung ương, đồng thời triển khai hiệu quả các đề án, chính sách khuyến công cùng nhiều hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy cung cầu trên thị trường.
Ngành Thuế, Ngân hàng cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Hoàng Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, trước những khó khăn của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, ngành Thuế tỉnh đã triển khai chính sách giảm thuế giá trị gia tăng kê khai kỳ tháng 1-2023 số tiền 25 tỷ đồng, giảm thuế bảo vệ môi trường với số tiền trên 132 tỷ đồng, giảm tiền thuê đất số tiền trên 15 tỷ đồng và gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất với số tiền 91 tỷ đồng. Ngành Ngân hàng đã hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp với doanh số đạt gần 2.300 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng là 12,3 tỷ đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 7 khách hàng với số dư nợ được cơ cấu là 36 tỷ đồng…
Tỉnh đã đẩy mạnh việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng để doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh tiếp cận các nguồn lực và thị trường, phát triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh nhằm huy động và phát huy mọi tiềm lực trong tỉnh kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển; tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý về khởi nghiệp. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có trên 3.000 doanh nghiệp, tỷ lệ đóng góp cho ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp trên 65% tổng thu ngân sách của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết