Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND hai tỉnh đã báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024.
Năm 2023, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chủ động, tích cực tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉnh hoàn thành bổ sung, tích hợp 6 cụm công nghiệp đã thành lập và 18 cụm công nghiệp mới vào Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 150 triệu USD, bằng 100% kế hoạch. Giá trị nhập khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 100,9 triệu USD, bằng 112,1% kế hoạch.
Tỉnh đã đôn đốc đưa 15 dự án đi vào hoạt động, lũy kế có 267 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, chiếm 67% tổng dự án, trong đó, có 18 dự án của 15 nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài, với vốn đăng ký trên 7.200 tỷ đồng, tạo việc làm, sinh kế cho khoảng 45.000 lao động. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/1/2024 đã giải ngân gần 6.390 tỷ đồng, đạt 93,6% kế hoạch, chưa giải ngân hơn 438 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 3.470 tỷ đồng, đạt 14,6% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 20,9 triệu USD, bằng 12,3% kế hoạch; cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 51 doanh nghiệp, đạt 14,37% kế hoạch; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công giải ngân hơn 711 tỷ đồng, đạt 15% kế hoạch, chưa giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề xuất với Thanh tra Chính phủ các nội dung: Xem xét bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp đến năm 2030 cho tỉnh Tuyên Quang là 972,15 ha và đến năm 2050 là 1.847,15 ha. Về chỉ tiêu đất giao thông, đề nghị điều chỉnh tăng 824 ha, trường hợp không còn chỉ tiêu, đề nghị bổ sung tối thiểu 210,78 ha để đảm bảo triển khai các dự án đầu tư công đã được Chính phủ phê duyệt; đề nghị điều chỉnh tăng thêm tối thiểu 161 ha để có thể triển khai xây dựng 3 sân golf nhằm thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Tuyên Quang; sớm chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nhữ Khê - Đội Cấn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn và Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Vân Đình Thảo dự hội nghị.
Tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tỉnh Tuyên Quang có cơ sở triển khai thực hiện Dự án Nhà máy thủy điện Tuyên Quang mở rộng và Dự án Nhà máy điện sinh khối Tuyên Quang, đồng thời bổ sung Dự án Thủy điện Sông Lô 9, công suất 105 MW; bổ sung kinh phí cho xây dựng cở sở dữ liệu địa chính của tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đồng tình với kiến nghị của tỉnh Hà Giang về việc điều chỉnh quy mô cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang từ 2 làn xe lên 4 làn xe.
Sau khi nghe một số đại biểu các bộ, ngành thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cơ bản thống nhất và đánh giá cao kết quả sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu của hai tỉnh đạt được trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024.
Đồng chí đề nghị hai tỉnh tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; nắm chắc tình hình, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, nhất là các dự án đầu tư trên địa bàn; triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, nếu phát sinh khó khăn báo cáo với các bộ, ngành xem xét giải quyết.
Đại biểu các sở, ban, ngành dự hội nghị.
Hai tỉnh phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công vụ, chỉ ra các tồn tại mà Thủ tướng đã chỉ đạo; triển khai nghiêm các kết luận của Trung ương về phòng chống tham nhũng, không để tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng và không dám làm.
Về đề xuất kiến nghị của hai tỉnh đối với điều chỉnh quy mô cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang và các kiến nghị khác, Tổng Thanh tra Chính phủ đồng tình và chỉ đạo đưa vào nội dung báo cáo để đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét giải quyết.
Gửi phản hồi
In bài viết