Hội thảo đã nghe báo cáo rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; báo cáo việc sử dụng, quản lý, biệt phái nhà giáo ở các trường chuyên biệt, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư được triển khai thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng được cải thiện, có sự chuyển biến tích cực; các mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục đào tạo được duy trì và phát triển; chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn dần được thu hẹp…
Các đại biểu dự hội thảo.
Tuy nhiên, một số chính sách phát triển giáo dục, chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã rất bất cập, lạc hậu. Mức hỗ trợ tại nhiều văn bản hiện hành còn thấp, nội dung hỗ trợ chưa phù hợp; đối tượng được hỗ trợ chưa đầy đủ; một số chính sách đã được ban hành, nhưng hiệu quả không như mong muốn; chế độ cử tuyển cũng đạt hiệu quả không cao do nhiều học sinh tốt nghiệp không được bố trí việc làm; thiếu chính sách cho học viên dân tộc thiểu số học cấp THCS, THPT ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, người dân tộc thiểu số học sau đại học, chính sách ăn trưa cho trẻ nhà trẻ người dân tộc thiểu số…
Cùng với đó, giáo viên khi lên công tác vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn còn gặp nhiều trở ngại như: rào cản về ngôn ngữ, môi trường, cơ sở vật chất thiếu thốn; quy định luân chuyển, biệt phái giáo viên còn bất cập, khó thực thi; nhiều địa phương không thể bố trí nhà giáo trở lại nơi công tác sau khi hoàn thành biệt phái do thừa giáo viên…
Hội thảo đã triển khai, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập. Trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặt thay thế một số thông tư cho phù hợp với tình hình thực tiễn; đề xuất các chính sách nhằm triển khai, thực hiện hiệu quả chính sách đối với học sinh, giáo viên công tác tại vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong cả nước trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết