Hồn làng

- 40 năm giữ chức “trùm đình”, ông Tiêu Sơn Học được người trong thôn Đoàn Kết, xã Đội Bình (Yên Sơn) ví như hồn làng. Già làng nói - dân làng nghe, già làng hô - dân làng hưởng ứng; già làng làm - dân làng làm theo...

“Nói phải củ cải cũng nghe”

Nhà ông Học nhiều đời làm thầy. Với người Cao Lan, thầy cao tay, có uy tín được giao trọng trách quản lý, bảo vệ đình làng, hay còn lại là trùm đình. Trùm đình phải là người có đạo đức, uy tín nhất làng, được dân làng trọng vọng, kính nể. Cũng chính vì thế, với người Cao Lan, trùm đình cũng ví như người nắm giữ phần hồn của cả làng là vậy.

Mãi đến năm 2020, ông Học mới thôi giữ chức vụ này. Nhưng người Cao Lan ở Đoàn Kết vẫn chọn ông là người đại diện, người có uy tín của cả thôn. Ông Học cười bảo, không phải vì mình giỏi đâu, chắc vì mình già nhất làng thôi... Nhưng với người dân ở Đoàn Kết, người đại diện họ kết nối với ông bà tổ tiên suốt 40 năm qua, cũng như người cha người chú của mình ở cuộc sống này vậy. Lời ông nói có tâm, có tình, chỉ ra điều đúng điều sai, không dằn vặt chì chiết, mà thẳng thắn từ tâm, động vào lòng người.  

Nghệ nhân ưu tú Tiêu Sơn Học bên cuốn sách cổ 200 năm tuổi.

Ông Học kể, mấy năm trước, Đoàn Kết làm đoạn đường từ trung tâm thôn vào khu dân cư mới, có 2 gia đình có đất nằm trong phần đường mở rộng nhưng chính quyền vận động kiểu gì cũng không chịu hiến. Tấc đất tấc vàng, ông hiểu chứ. Ông Học gọi 2 nhà đến, rủ rỉ nói chuyện. Ông hỏi: Giờ đường chưa mở, đi lại có khó khăn không? Con cái đi học trời mưa có khổ không? Cái đường mở ra, xe tránh xe, ô tô vào được tận nhà, làm cái gì cũng thuận thế sao không muốn? Cái đường rộng ra rồi, cái đầu mình cũng phải mở ra chứ?...  Sau buổi nói chuyện ấy, hai gia đình ấy về tự tay phá dỡ rào, hiến đất cho làng mở đường.

Hay như chuyện lấy đất xây dựng trụ sở UBND xã, cứ vướng víu mãi vì người này không hiểu, người kia không chịu. Chính quyền xã nhờ đến ông, ông Học tìm đúng đến người còn điều ra tiếng vào, chẳng hiểu ông khuyên giải kiểu gì mà sau đó, việc xây dựng trụ sở UBND xã diễn ra thuận lợi, chẳng còn ai phản đối, chẳng còn ai đòi hỏi gì nữa.

Chuyện lớn như hiến đất, mở đường, chuyện nhỏ như vợ chồng cãi cọ, hàng xóm không bằng lòng nhau lời ăn tiếng nói... ông Học cũng lắng nghe, giải quyết hết. Việc nào đến tay ông, kết thúc cũng đều êm đẹp cả. Ông bảo, không phải vì mình có “bí quyết” gì cao siêu, chỉ là mình nói những điều phải, chỉ cho bà con lối đi đúng thôi. “Quan trọng nhất là phải giữ được tình làng nghĩa xóm, giữ được thể diện cho người ta... Nói phải củ cải phải nghe đấy!”

Người Cao Lan xã Đội Bình giữ những điệu múa, lời hát truyền thống.

Giữ hồn làng

Văn hóa Cao Lan ở Đội Bình được gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt, một phần lớn nhờ những người như ông Tiêu Sơn Học.

Ông Học kể, trong thời gian giữ chức trùm đình, đọc những cuốn sách cổ của ông, của cha mình để lại, nhận thấy với người Cao Lan, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán và trang phục dân tộc là những thứ tạo nên hồn cốt, văn hóa của người Cao Lan. Thế nhưng, ở Đội Bình nói riêng và ở những xã tập trung đông đồng bào Cao Lan, những người biết nói tiếng Cao Lan, giờ chủ yếu là lớp người “đã cũ”. Người hát được Sình ca cũng không còn nhiều. Số người biết chữ lại càng hiếm. Ông tìm tòi, rồi tự mở lớp dạy tiếng nói, chữ viết cho những người yêu văn hóa cổ.

Không nhớ đã có bao nhiêu thế hệ học trò được ông Học truyền nghề. Ông bảo, cứ lớp học này hoàn thành, lớp học khác lại mở ra. Người đến học tiếng, người đến học chữ, người đến học làm thầy, cũng có những người đến lớp, chỉ để lưu lại những lời hát Sình ca cổ mà ông dịch ra từ những cuốn sách đã hơn 200 năm tuổi. Không chỉ người Cao Lan ở Đoàn Kết, mà người Cao Lan ở thành phố Tuyên Quang, ở Phú Thọ... biết tiếng ông cũng cắp sách đến theo học.  

Người Cao Lan xã Đội Bình giữ những điệu múa, lời hát truyền thống.

Ông Học khoe, chỉ riêng phần hát giao duyên của người Cao Lan, những bài hát ông dịch ra, rồi chép lại đã đủ để hát giao duyên mười mấy đêm không hết. Càng tìm hiểu, ông càng nhận ra cả một kho tàng văn hóa ẩn chứa trong từng lời hát, từng điệu múa. Đó không chỉ là lời tỏ tình đơn thuần, mà còn là nét tinh tế, riêng có của người Cao Lan. Ví như lời thề về lòng chung thủy của người phụ nữ Cao Lan, vừa khẳng khái, lại vừa dí dỏm, tinh tế:

“Anh ơi
Nếu anh không tin
Em sẽ quăng con dao xuống nước để chứng minh
Nếu dao nổi là em bạc tình
Dao chìm xuống nước là ình trắng trong”.

Rồi ông hỏi, cô có biết ở đâu có tâm trời, gốc trời, ngọn trời không? Thấy khách lắc đầu, ông nhẩn nha đọc:

“Em hỏi anh chân trời ở đâu
Gốc trời ở đâu
Ngọn trời ở đâu
Tâm trời ở đâu?
Anh ơi, đông tây nam bắc là chân trời
Nơi mặt trời mọc là gốc trời
Bắc đẩu thoát tinh là ngọn trời
Nơi Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau là tâm trời...”

Đoàn Kết thành lập được Câu lạc bộ hát Sình ca cũng phần lớn nhờ công của già làng Tiêu Sơn Học.

Năm 2015, ông Tiêu Sơn Học là một trong những nghệ nhân đầu tiên được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa Cao Lan. Ông bảo, việc mình giữ lại hồn cốt dân tộc mình giống như là mệnh lệnh từ trái tim thôi thúc mình phải làm thế. Chẳng ai bắt ép, cũng chẳng ai trả tiền, chỉ vì ông yêu tiếng nói, chữ viết, văn hóa của dân tộc mình, ông sẽ còn dịch, còn lưu giữ, còn truyền dạy cho đến khi hết người cần, hết người hỏi và đến khi cái sức mình không còn nữa thì thôi....

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục