Hướng tới nền nông nghiệp xanh

- Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” đã và đang nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh trong sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Lợi ích kép

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại Tuyên Quang, Dự án được Hội Nông dân tỉnh triển khai từ năm 2022 trên 9 xã thuộc 3 huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa và Thành phố Tuyên Quang.

Anh Nguyễn Văn Hoan (giữa), Tổ dân phố Hồng Thái, thị trấn Yên Sơn ủ phụ phẩm cây trồng làm thức ăn cho bò.

Với phương pháp “cầm tay, chỉ việc”, Dự án tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân áp dụng 5 giải pháp kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường: lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế. Nhờ đó, góp phần nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước thay đổi hành vi trong phân loại, xử lý rác thải thân thiện với môi trường. 

Chia sẻ hiệu quả của phương pháp lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, anh Nguyễn Văn Hoan, Tổ dân phố Hồng Thái, thị trấn Yên Sơn cho biết, trước đây gia đình anh nuôi bò theo tập quán cũ bằng hình thức chăn thả tự nhiên, hiệu quả mang lại không cao, tốn nhiều công lao động. Từ khi được các cấp Hội Nông dân hướng dẫn kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, gia đình anh đã mạnh dạn áp dụng. Phụ phẩm nông nghiệp sau mỗi vụ thu hoạch như cây ngô được thu gom, xử lý đúng quy trình và sau 21 ngày sẽ được dùng làm thức ăn cho trâu, bò, giàu chất dinh dưỡng, có thể dự trữ trong vòng 6-7 tháng. Từ khi áp dụng phương pháp mới, gia đình anh đã chủ động nguồn thức ăn, khắc phục được tình trạng thiếu thức ăn cho bò trong mùa đông, tiết kiệm chi phí, giảm nhân công, đàn bò lớn nhanh, khỏe mạnh. 

Tương tự, bà Lê Thị Duyên, thôn Thanh Sơn, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) cũng ứng dụng hiệu quả kỹ thuật nuôi sâu canxi dùng cho chăn nuôi. Bà Duyên chia sẻ, bình quân mỗi năm gia đình bà nuôi 2 lứa gà, tổng 8.000 con. Trước kia, bà nuôi gà hoàn toàn bằng ngô, cám bã, gà chậm lớn, lâu xuất chuồng. Từ ngày biết đến kỹ thuật nuôi sâu canxi cho gà, bà rất tích cực tham gia. Mỗi lứa bà nuôi 1 kg trứng sâu, sau 25 ngày bà thu được khoảng 1,7 tấn sâu canxi. Đây là nguồn thức ăn rất bổ dưỡng, giúp gà ngọt thịt hơn, lớn nhanh và ít bệnh hơn. Ngoài chăn nuôi gà, bà Duyên còn sử dụng sâu canxi trong chăn nuôi cá. 

Theo bà Duyên, việc nuôi sâu canxi rất dễ làm, thức ăn của sâu chủ yếu là thức ăn dư thừa, phụ phẩm nông nghiệp, hoa quả hư hỏng. Nuôi sâu canxi có rất nhiều lợi ích, vừa tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn. Từ ngày ứng dụng nuôi sâu canxi, bình quân mỗi năm gia đình bà tiết kiệm được khoảng 50 triệu đồng tiền thức ăn trong chăn nuôi. 

Bà Lê Thị Duyên, thôn Thanh Sơn, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) nuôi gà bằng sâu canxi.

Theo đánh giá của Ban quản lý dự án - Hội Nông dân tỉnh, khi nông dân áp dụng các kỹ thuật của dự án thu lợi nhuận tăng trung bình 25 - 30%; chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc phòng trị bệnh, thuốc BVTV giảm khoảng 32%; tăng trưởng năng suất của vật nuôi, cây trồng khoảng 25 - 30%...

Thay đổi nhận thức người dân

Sau hơn 2 năm triển khai, Dự án đã tổ chức 2 khóa đào tạo giảng viên nguồn cho cán bộ, hội viên nông dân nòng cốt thuộc các địa phương tham gia Dự án; 46 lớp tập huấn cho gần 1.190 hội viên nông dân tham gia; tổ chức 6 chuyến tham quan, học tập các mô hình thu gom, xử lý rác thải hữu cơ trong và ngoài tỉnh. Thực hiện Dự án, các cấp Hội Nông dân đã hỗ trợ xây dựng được gần 1.000 mô hình áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Từ những mô hình được xây dựng ban đầu, đến nay trên địa bàn tỉnh đã nhân rộng hơn 4.000 mô hình. Một trong những điểm nhấn của dự án đó là tác động tích cực đến tư duy, nhận thức và hành động của người nông dân về công tác bảo vệ môi trường. Từ chỗ còn xa lạ với các khái niệm, kỹ thuật, đến nay đã trở thành nhu cầu xử lý rác thải, chất thải trong quá trình sản xuất và đời sống. 

Việc áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải theo hướng thân thiện với môi trường đã giúp cho các hộ dân giảm chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Từng bước hình thành các mô hình nông nghiệp tuần hoàn bền vững. Đồng thời, thông qua các hoạt động của dự án, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, duy trì và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới.  

Bài, ảnh: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục