Jane Campion đã ghi tên mình vào lịch sử giải Oscar, khi trở thành nữ đạo diễn thứ ba giành giải thưởng vốn lâu nay thường rơi vào tay các nam đạo diễn nhiều hơn: Giải Đạo diễn xuất sắc nhất, với bộ phim “The Power of the Dog”. Trước đó, vào năm 1994, Jane Campion từng được đề cử hạng mục này với bộ phim “The Piano” và giành giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất. “The Piano” cũng khiến bà trở thành đạo diễn nữ đầu tiên được trao giải Cành cọ vàng.
Chia sẻ về hai bộ phim, Jane Campion cho biết, cả hai phim đều có nội dung buồn, nhưng cũng đều là những phim mô tả những người phụ nữ mạnh mẽ đang vượt qua các giới hạn. “Tôi đã tham gia ngành điện ảnh nhiều năm, và ngày nay điện ảnh khác xa so với hồi tôi mới bắt đầu sự nghiệp. Các phụ nữ dũng cảm từ phong trào MeToo đã khởi đầu với việc tiết lộ tình trạng lạm dụng trong ngành công nghiệp điện ảnh. Điều này đã thức tỉnh và khiến nhiều người, cả nam và nữ, cam kết bình đẳng. Hiện tại chúng ta vẫn chưa hoàn toàn đạt được kết quả. Nhưng tôi có thể nói rằng, đó là dấu chấm hết cho sự phân biệt giới tính trong ngành công nghiệp điện ảnh bây giờ”.
“The Power of the Dog” kể về một chủ trang trại (do Benedict Cumberbatch thủ vai) trong mối quan hệ phức tạp với người phụ nữ góa và cậu con trai tuổi teen vừa được anh trai mình cưới về. Phim được xây dựng trên cuốn tiểu thuyết cùng tên, viết năm 1967 của tác giả Thomas Savage.
Trong lịch sử 94 năm của giải Oscar, trước Jane Campion, mới chỉ có 5 phụ nữ được đề cử ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất là Lina Wertmüller, Sofia Coppola và Greta Gerwig, cùng với Chloe Zhao và Kathryn Bigelow. Jane Campion là nữ đạo diễn thứ ba được vinh danh Đạo diễn xuất sắc nhất của giải Oscar, sau Chloe Zhao với “Nomadland” năm 2021 và Kathryn Bigelow với “The Hurt Locker” năm 2009.
Phát biểu tại lễ trao giải, Jane Campion chia sẻ tình yêu đối với các đồng nghiệp được đề cử tại hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất: “Tôi yêu tất cả các bạn, mọi người đều là những người rất tài năng, giải thưởng có thể thuộc về bất kỳ ai trong số các bạn”. Bà cũng chia sẻ rằng, bà rất thích làm đạo diễn, bởi vì đây là công việc đi sâu vào từng câu chuyện. “Trong "The Power of the Dog", tôi đã làm việc với các diễn viên mà tôi gọi họ là bạn bè của mình. Họ đã đáp ứng được các thử thách của câu chuyện với chiều sâu tài năng của mình”-bà nói.
Nữ đạo diễn cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với tác giả cuốn tiểu thuyết Thomas Savage: “Sẽ không thể thành công nếu thiếu đi người mà tôi chưa từng gặp, tác giả Thomas Savage. Anh viết về sự tàn nhẫn để mong muốn điều ngược lại, đó là lòng tốt”.
Jane Campion sinh năm 1954 tại New Zealand, là đạo diễn, nhà biên kịch và nhà sản xuất. Bà được thừa hưởng truyền thống nghệ thuật từ gia đình, với mẹ là một diễn viên, nhà biên kịch, cha làm giáo viên và cũng là một đạo diễn opera ở nhà hát. Năm 1976, bà ghi danh vào Trường Nghệ thuật Chelsea ở London (Anh) và đi khắp châu Âu. Bà cũng tốt nghiệp về nghệ thuật thị giác (hội họa) tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Sydney (Đại học Sydney, Australia) vào năm 1981. Các tác phẩm điện ảnh về sau của bà chịu ảnh hưởng từ những giáo dục nghệ thuật trong thời gian này.
Một số phim ngắn của bà từng giành được các giải thưởng điện ảnh như “Passionless Moments” (1983), “A Girl's Own Story” (1984), và “After Hours” (1984). Phim truyện đầu tay của bà “Sweetie” ra mắt năm 1989, từng tham gia tranh giải tại Liên hoan phim Cannes năm 1989, và giành giải Phim nước ngoài hay nhất tại lễ trao giải Independent Spirit Award năm 1991.
Ngoài giải Cành cọ vàng cho phim “The Piano”, năm 2021, bà còn được trao giải Sư tử bạc cho đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Venice. Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp, Jane Campion đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Nhà phê bình David Thomson từng mô tả Campion "là một trong những đạo diễn trẻ xuất sắc nhất thế giới hiện nay”. Phim của Campion có xu hướng xoay quanh các chủ đề về giới, chẳng hạn như sự quyến rũ và sức mạnh giới tính của phụ nữ.
Gửi phản hồi
In bài viết