Những bàn tay khéo
Hùng Mỹ là xã thuần nông, chiếm phần lớn đồng bào Tày, Dao sinh sống. Nghề đan lát thủ công từ tre, nứa gắn liền với đời sống người dân từ bao đời nay. Ngày nay, xã hội hóa, nghề đang đứng trước nguy cơ mai một. Năm 2018, Tổ hợp tác mây tre đan xã Hùng Mỹ được thành lập, mở ra một hướng phát triển đầy tiềm năng tại địa phương.
Theo lời giới thiệu, chúng tôi đến thôn Ngầu 1 gặp bà Hoàng Thị Hoan, người khởi xướng khôi phục nghề mây tre đan, đồng thời là Tổ trưởng Tổ hợp tác mây tre đan của xã Hùng Mỹ. Vừa bước vào cửa, thứ đập vào mắt chúng tôi là guột. Những bó guột to, guột nhỏ vàng óng nơi góc nhà tỏa hương dịu nhẹ. Bà Hoan tay thoăn thoắt tước guột, miệng rôm rả tiếp chuyện: “Tôi biết đan lát từ thời còn là con gái. Niềm đam mê đan lát nó ngấm vào máu thịt rồi. Vậy nên, ngay sau khi nghỉ công tác ở xã, tôi bắt tay vào khôi phục lại nghề ngay. May mắn, khi đề xuất, được cấp ủy, chính quyền xã rất ủng hộ”.
Bà Hoàng Thị Hoan, thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ đan giỏ giao cho khách.
Dạo một vòng quanh xã, được tận mắt chứng kiến các chị em đan những chiếc làn, chiếc giỏ, mới thấy hết sự giỏi giang, khéo léo của họ. Những cây guột, cây tre xù xì trên núi, dưới những đôi bàn tay khéo léo, các chị đã thổi hồn vào chúng, tạo ra những sản phẩm tinh xảo mê đắm lòng người. Không chỉ làm ra những vật dụng gia đình, mộc mạc đậm chất làng quê như quạt, nón, nong, nia bằng tre năm xưa, mà nay các chị còn sáng tạo thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn như, bình hoa, khay, làn, hộp mỹ phẩm, túi xách từ cây guột, cây song.
Theo bà Hoan, trong số các sản phẩm, làn là vật dụng khó làm nhất. Để đan được một chiếc làn đẹp, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người đan lát giỏi. Nguyên liệu đan phải là những cây guột hái trên đỉnh núi Tham Và đưa về tuốt, luộc hết nhựa, phơi khô rồi mới đến tay người thợ đan thành sản phẩm. Trong quá trình lấy guột rất cầu kỳ, phải chọn cây thẳng đều, không sâu bệnh. Bởi thế, khai thác nguyên liệu đan, yêu cầu người thợ phải có kinh nghiệm. Bà bật mí: “Bí quyết để đan được một chiếc làn đẹp, quan trọng nhất là chọn guột và kỹ thuật đan đế, guột đều, đế vuông góc thì lên làn mới đẹp”.
Sản phẩm du lịch đặc trưng
Hùng Mỹ là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, khám phá hang động, lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa. Đặc biệt, cộng đồng dân tộc nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó có nghề mây tre đan. Xã đã định hướng, lựa chọn nghề sản xuất mây tre đan để nâng cao thu nhập cho người dân gắn với phát triển du lịch địa phương. Song song với việc thành lập tổ hợp tác, cấp ủy, chính quyền xã tạo điều kiện cho Tổ hợp tác phát triển. UBND xã đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức lớp dạy nghề mây tre đan cho người dân. Đồng thời, hỗ trợ kết nối, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu và liên kết thị trường tiêu thụ. Thông qua các hội chợ, chương trình xúc tiến đầu tư thương mại của tỉnh và huyện, sản phẩm mây tre đan xã Hùng Mỹ được tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng.
Các sản phẩm mây tre đan xã Hùng Mỹ.
Hiện Tổ hợp tác mây tre đan Hùng Mỹ sản xuất khá nhiều mẫu mã, chủng loại, nhưng tập trung nhất vẫn là 3 mặt hàng chính là làn, giỏ và nón Tày. Ở mỗi tác phẩm đều thể hiện một nét tinh xảo, tinh hoa nghệ thuật và phong tục tập quán của người dân. Ví như chiếc nón Tày. Người Tày ở đây quan niệm, chiếc nón là vật không thể thiếu trong cuộc sống, là nét văn hóa đặc trưng trong phong tục của người Tày. Khi cô dâu về nhà chồng, ngoài những lễ vật mang theo như chăn màn, chậu, chiếu còn có chiếc nón Tày đem theo với nhiều ý nghĩa. Là vật kỷ niệm của cha mẹ để lại với mong muốn cô dâu là người con hiếu thảo một lòng yêu thương chồng con.
Tổ trưởng Tổ mây tre đan xã Hùng Mỹ Hoàng Thị Hoan tự hào: “Nhà tôi hàng làm đến đâu hết đến đấy, không đủ hàng cung cấp cho khách. Chỉ tính riêng chiếc nón Tày, mỗi tháng tổ nhận được đơn hàng từ 30 đến 40 chiếc, chưa kể các vật dụng khác. Khách đặt chủ yếu là chị em trong và ngoài xã, một số điểm du lịch cộng đồng. Về lâu dài, đây chính là hướng đi Tổ hợp tác muốn duy trì và phát triển”.
Từ nét giản dị, mộc mạc, dân dã mang tính truyền thống, sản phẩm mây tre đan xã Hùng Mỹ đã hòa mình vào đời sống nhộn nhịp nơi phố phường, hay bình yên nơi thôn dã. Phát triển nghề mây tre đan không chỉ góp phần giữ gìn nghề truyền thống, tạo sinh kế cho người dân, mà còn làm thay đổi tích cực môi trường sống xung quanh tan
Gửi phản hồi
In bài viết