Chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo
Gần 30 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng, cô Lê Thị Hiền, giáo viên Trường THCS An Tường (TP Tuyên Quang) đã dồn tâm sức cho lớp lớp thế hệ học trò, đặc biệt là học trò nghèo. Giờ đây sức cô không khỏe nữa vì bệnh tật, song cô giáo Hiền vẫn ngày ngày truyền nghị lực, cảm hứng học tập cho học sinh thân yêu.
Trong ký ức của cô giáo Hiền vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh cậu học trò nghèo Nguyễn Việt Hưng, học sinh của trường năm nào. Cô giáo Hiền nhớ lại, thời điểm Việt Hưng học THCS và cả khi lên THPT gia đình em vẫn rất khó khăn nên Hưng thiếu thốn đủ thứ mỗi khi đến trường. Mặc dù vậy, Việt Hưng lại không bao giờ để thầy, cô giáo phiền lòng, Hưng thường xin lại sách cũ của anh chị lớp trước, mượn sách bạn để học. Thương cậu học trò nghèo, hiếu học, cô giáo Hiền đã đứng ra nhận đỡ đầu, lo cho em từng cuốn sách, tập vở và dạy bồi dưỡng học sinh giỏi miễn phí cho Việt Hưng.
Cô giáo Lê Thị Hiền (thứ 2 bên trái), Trường THCS An Tường cùng đồng nghiệp và học sinh
tham gia hoạt động ngoại khóa của trường.
Nuôi ước mơ cho cậu học trò nghèo, cô giáo Hiền tiếp tục đồng hành cùng Việt Hưng qua những năm tháng THPT. Cô sẵn sàng bỏ cả tháng lương mua máy tính, xe đạp để cho Hưng có điều kiện học tập. Đáp lại công ơn của cô giáo Hiền, suốt những năm phổ thông cậu học trò nghèo này luôn là hạt nhân trong đội tuyển học sinh giỏi của thành phố Tuyên Quang, em đã giành các giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Điều hai cô trò mừng nhất là năm 2015, Việt Hưng là học sinh của tỉnh duy nhất được Trường Đại học Y Hà Nội tuyển thẳng hệ đào tạo chính quy.
Năm học này cô giáo
Hiền lại có thêm 2 con đỡ đầu, các em đều có hoàn cảnh éo le. Đáp lại công ơn của cô, 1 trong 2 con đỡ đầu của cô giáo Hiền hiện đang là thành viên đội tuyển học sinh giỏi của trường.
Cô giáo Lý Thị Hương Mai, Hiệu trưởng Trường THCS An Tường (TP Tuyên Quang) chia sẻ, không chỉ các em học sinh cô Hiền nhận đỡ đầu, rất nhiều những hoàn cảnh đáng thương được cô giáo Hiền cưu mang, giúp đỡ giờ đều đã lớn khôn, trưởng thành.
Khơi nguồn đam mê sáng tạo
Tận tụy trong công việc giảng dạy, Trần Thị Nga, Trường THPT Sơn Dương (Sơn Dương) còn là người truyền cảm hứng, đam mê sáng tạo khoa học cho học sinh.
Cô giáo Nga chia sẻ, giáo viên không chỉ là người hướng dẫn học sinh học tập, nghiên cứu khoa học, quan trọng hơn là biết khơi dậy ở các em học sinh niềm đam mê với khoa học, dám mơ ước và dám thực hiện ước mơ.
Cô giáo Trần Thị Nga, Trường THPT Sơn Dương (Sơn Dương) hướng dẫn học sinh thực hiện các dự án khoa học kỹ thuật.
Với lợi thế giảng dạy môn Công nghệ, cô giáo Trần Thị Nga luôn khuyến khích, hướng dẫn học sinh quan sát, phân tích những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, bởi đó chính là cội nguồn của sự sáng tạo. Từ đó khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn để giải quyết vấn đề.
Cô giáo Nga khoe, năm 2016, Dự án “Hệ thống hút và xử lý dầu tràn” đạt giải nhất tại Giải thưởng sáng tạo xanh do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức. Năm 2017, sản phẩm Hệ thống lọc nước đa năng đạt giải nhất cấp tỉnh và giải nhì toàn quốc tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đều xuất phát từ sự quan sát của các em, cô giáo chỉ là người đồng hành, hướng dẫn.
Được biết ngoài 2 dự án đạt giải gần đây, cô giáo Trần Thị Nga sở hữu “bộ sưu tập” dự án có tính ứng dụng cao như: Điều hòa ô tô 2 chiều, máy gieo hạt đa năng, máy chăm sóc mía đa năng, máy tuốt lạc, hệ thống chăm sóc cây thông minh...
Cô giáo Trần Thị Nga phấn khởi bảo, những ý tưởng sáng tạo, dự án của học sinh đã, đang và sẽ trở thành những sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống. Điều mà cô hướng đến hơn hết là thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học, tạo nền tảng, kiến thức, kỹ năng nghiên cứu khoa học cho lớp lớp thế hệ học sinh.
Cô Trần Thị Nga đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 2 lần được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng nhiều bằng khen, giấy khen của ngành và các cấp.
“4 cùng” học sinh trong khu cách ly
Đầu tháng 11, huyện Lâm Bình phát hiện trường hợp dương tính Covid-19, điều lo lắng nhất liên quan đến giáo viên và học sinh. Trường THCS Bình An trở thành điểm cách ly tập trung bất đắc dĩ. Truy vết của ngành chức năng, hàng chục học sinh khối lớp 9 của trường liên quan đến trường hợp dương tính. Ngay lập tức, thầy giáo Hoàng Văn Tuyền, Trưởng Ban bán trú và thầy Ma Công Hùng, giáo viên chủ nhiệm lớp 9, Trường THCS Bình An đã tình nguyện vào khu cách ly để “4 cùng -cùng cách ly, cùng ăn, cùng ở và cùng dạy, học” với các em.
Thầy giáo Hoàng Văn Tuyền, Trường THCS Bình An (Lâm Bình) vệ sinh khử khuẩn môi trường trong khu cách ly.
Thầy giáo Hoàng Văn Tuyền kể, trước khi vào cách ly cùng các em, các thầy giáo phải đến từng nhà để vận động. Ròng rã 2 ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà có học sinh liên quan, thuyết phục, vận động, giải thích, thầy Tuyền, thầy Hùng đã động viên được 23 em học sinh thuộc diện theo dõi trở lại trường thực hiện cách ly tập trung.
Thương trò đã gần gũi động viên, an ủi các em cố gắng vượt qua thời điểm khó khăn. Thầy Hùng chia sẻ, 24/24 giờ trong khu cách ly cùng các em học sinh thực hiện 5K trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, dạy các em giữ gìn vệ sinh chung, phụ đạo, ôn kiến thức dần dần tinh thần các em ổn định trở lại. Đó là trải nghiệm đặc biệt nhất sau nhiều năm dạy học ở xã vùng sâu, vùng xa này.
Sau một thời gian cách ly, điều trị bệnh, em Ma Công Tuyển, lớp 9, Trường THCS Bình An đã an toàn trở về với gia đình. Em Tuyển tâm sự, sau 5 ngày cách ly em mới phát hiện bệnh và thực hiện điều trị. Chứng kiến cảnh 2 thầy xa gia đình vào ở cùng trò, không sợ hiểm nguy đã cho em niềm tin, yên tâm điều trị bệnh.
Truyền thụ kiến thức, những thầy giáo Hùng, thầy giáo Tuyền, cô giáo Nga, cô giáo Hiền và biết bao thầy, cô giáo trên mảnh đất xứ Tuyên vẫn âm thầm đồng hành, thắp lên nghị lực vươn lên, tinh thần chủ động, sáng tạo trong học tập và lao động sản xuất.
Gửi phản hồi
In bài viết