Từ “truyền thuyết” bước ra sân khấu
Lời Then cổ kể rằng, thuở trước có chàng trai mồ côi, thật thà, sống thui thủi một mình được bà Tiên thương tình hướng dẫn làm cây đàn Tính để đàn hát cho khuây khỏa. Chàng đã làm ra cây đàn Tính 12 dây từ những quả bầu, gỗ mộc, dây tơ. Khi tiếng đàn cất lên, cả làng, cả bản từ trẻ đến già, chim muông kéo nhau đến nghe chẳng ai muốn rời đi... Có người tâu lên nhà trời, bà Tiên xuống bảo chàng cắt bỏ đi 9 dây, chỉ còn 3 dây. Bà đặt tên cho chàng là Tiên Căm, vì mệnh của chàng là do Tiên nắm giữ và được trao trọng trách lưu truyền cây đàn Tính tẩu (đàn của nhà trời). Ngay từ khi còn nhỏ Chu Văn Thạch luôn suy tư đắm mình trong truyền thuyết ấy. Để rồi theo năm tháng ý tưởng chế tạo cây đàn Tính như trong cổ tích cứ lớn dần.
Ở thôn Cuôn, Chu Văn Thạch được biết đến như một người xuất chúng với nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ. Năm lên 8 tuổi anh đã đánh thông thạo đàn Tính đến mức mà chỉ cần nghe người đối diện đánh 1 lần là có thể biểu diễn lại y hệt; 16 tuổi biết chế tác thành thạo đàn Tính và 23 tuổi sở hữu xưởng sản xuất đàn riêng của mình... Năm 2017, anh Thạch tạo bất ngờ khi chế tác thành công cây đàn Tính 12 dây. Anh chia sẻ, khi bắt tay vào làm cây đàn Tính gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là việc dùi lỗ, luồn dây và tìm kiếm bầu đàn. Với cây đàn Tính 12 dây đòi hỏi phải tìm được quả bầu to chưa kể việc tính toán kéo thêm 9 dây là điều rất khó. Sau thời gian dài, anh đã đi mày mò học hỏi các nghệ nhân ở Bắc Kạn, Cao Bằng tìm ra hướng đi tạo ra cây đàn Tính 12 dây đặc biệt khiến người nghe vô cùng ngạc nhiên bởi âm thanh và sự kỳ lạ của cây Tính tẩu.
Nghệ nhân Chu Văn Thạch.
Chế tác thành công khó 1 thì việc sử dụng đánh thuần thục, linh hoạt, giữ được nguyên bản sắc tiếng đàn của đồng bào Tày khó gấp 10 lần. Vậy mà bằng tài năng thiên bẩm, Chu Văn Thạch đã mang được tiếng Tính tẩu bước lên nhiều sân khấu trong nước. Những tiết mục độc tấu của anh mang đến người nghe đi qua nhiều cung bậc cảm xúc bởi sự điêu luyện tài tình. Lúc thì réo rắt, du dương, khi thì nhịp nhàng, thanh thản; khi rộn rã, vui tươi; khi thầm thì như tiếng suối gọi, khắc khoải như nỗi mong chờ...
Anh bảo, người đánh đàn hay tựa như người biết kể chuyện, thay lời nhân vật để diễn tả tâm trạng. Vì vậy phải đắm mình nhập tâm vào nhân vật, sống cùng nhân vật thì lời đàn mới tha thiết được! Bằng tài năng sự cảm nhạc đặc biệt và tình yêu văn hóa dân tộc, Chu Văn Thạch đã từng bước đưa cây đàn 12 dây trong truyền thuyết bước ra sân khấu lớn.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2020, tiết mục độc tấu đàn Tính 12 dây của Chu Thạch nhận được lời khen của khán giả. Sau khi tiết mục được VTV1 ghi hình và đưa lên mạng xã hội, nhận nhiều lượt chia sẻ, bình luận tích cực. Mới đây, Chu Văn Thạch giành Giải Bạc tại Liên hoan độc tấu nhạc cụ dân tộc tổ chức tại Hà Nội... Và hành trình chàng trai Tày Chu Văn Thạch đưa tiếng đàn Tính vươn xa còn bao điều thú vị…
“Hot youtuber” truyền cảm hứng
Nói về chàng trai người Tày Chu Văn Thạch, nhiều người ngưỡng mộ anh bởi tinh thần tự học, ham học hỏi. Tròn 20 tuổi, tên tuổi của anh bắt đầu được nhiều người biết đến khi liên tục giành được giải cao các cuộc thi Liên hoan văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Điển hình như giải B Liên hoan hát Then đàn tính tại tỉnh Cao Bằng năm 2007; giải A với tiết mục hát Then “Bảy sắc cầu vồng” tại Liên hoan hát Then đàn tính khu vực Đông Bắc năm 2009; Giải A tại Liên hoan hát then đàn tính dân tộc Tày tổ chức tại Hà Giang …
Nghệ sỹ Ưu tú Thu Hồng, Trưởng Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh chia sẻ, với thành tích và tài năng vượt trội, Chu Văn Thạch được tham gia cùng các diễn viên Đoàn biểu diễn nghệ thuật tại Hàn Quốc, Trung Quốc. Tiết mục độc tấu của Thạch luôn tạo ấn tượng, lôi cuốn người nghe, góp phần quảng bá văn hóa dân tộc ra bạn bè thế giới. Năm 2014, em được xét tuyển đặc cách biên chế tại Đoàn. Tuy nhiên, Thạch có lựa chọn của mình, tiếp tục là cộng tác viên của Đoàn và ở lại quê nhà để hoàn thành giấc mơ riêng.
Thạch cười bảo: “Con đường mình không đi không có nghĩa là không muốn mà chỉ là không phải giấc mơ của mình. Giấc mơ giản dị thôi! Bây giờ và mãi mãi sau này là được sống, được gắn bó với làng bản. Mỗi sáng thức dậy hay khi mặt trời lặn xuống tiếng Tính tẩu của mình được ngân vang hòa vào thanh âm cuộc sống quê hương. Những dự định, khát vọng riêng của mình được nuôi dưỡng và sẽ bay cao từ nơi đây”.
Hiện nay Chu Thạch sở hữu xưởng làm đàn tính với 5 nhân công, lương tháng trung bình 5 triệu đồng/người. Bên cạnh làm đàn tính 3 dây theo nhu cầu khách hàng, chàng trai trẻ mày mò chế tác các loại đàn tính 2 dây, 6 dây, 12 dây. Ngoài ra, anh mày mò tự học, thiết kế bộ khuếch đại âm thanh mi ni gắn vào mỗi đàn tính để biểu diễn trên sâu khấu âm thanh rõ nét, chân thực, sống động để phục vụ khán giả.
Kênh Youtube của Chu Thạch thu hút nhiều người xem.
Thêm một điều rất đặc biệt, thú vị ở chàng trai người Tày này đó là anh từng “mù” công nghệ thông tin thế nhưng nay anh đã là một youtuber chính hiệu. Anh sở hữu 2 kênh Youtube là “Đan tinh Chu Thach” và “Chu Thach Official”. Một kênh chuyên dạy đánh đàn tính từ cơ bản đến nâng cao và một kênh đăng tải các tiết mục anh biểu diễn. Tổng số lượng người đăng ký 2 kênh là gần 7.000 người. Những video đánh đàn Tính, hát Then ấn tượng mà giản dị, dân giã có những video như: “Đường về bản em”, “Bản nọng tỏn Xuân”, “Lời cây đàn tính” đạt đến 150 nghìn lượt xem.
Anh trở thành một “hot youtuber” (người làm kênh youtube nổi tiếng) trong cộng đồng người Tày. Anh chia sẻ, để sử dụng thành thạo máy tính, công nghệ thông tin anh đã tự mày mò, học bạn bè rồi xuống cả Hà Nội để học cách làm phòng thu riêng. Hiện nay anh thực hiện được hơn 200 bài nhạc beat (nhạc tách lời) phục vụ hát karaoke dành cho bài hát Then.
Bên cạnh thường xuyên được mời tham gia giảng dạy trực tiếp hát Then, đàn Tính cho các học trò trong và ngoại tỉnh, anh cũng bắt nhịp khi sử dụng thành thạo mạng xã hội facebook và học zoom để lên lớp, giảng dạy. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay thì cách học này càng được phát huy.
Anh Nguyễn Văn Hữu, Bắc Quang (Hà Giang) là một học trò xuất sắc của thầy Thạch. Anh chia sẻ, thầy Thạch dạy rất tâm huyết, dễ hiểu và vui tính. Thầy có cách “truyền lửa”, “tạo cảm hứng” đặc biệt cho những người trẻ về tinh thần yêu văn hóa dân tộc và rèn luyện tự học hỏi. Hiện nay anh Hữu cũng có kênh youtuber về hát then, đàn tính của mình, anh cũng thường xuyên được tham gia và dành được giải cao tại các cuộc liên hoan văn nghệ hát then, đàn tính của tỉnh.
Con đường tự học, tự nỗ lực để thành nghệ nhân trẻ của Chu Văn Thạch thực sự đáng ngưỡng mộ. Giờ đây anh là người độc tấu đàn Tính tài hoa, trẻ tuổi nhất trong tỉnh. Anh “lan tỏa” năng lượng tích cực ấy khi thường xuyên xuống các phòng trà, bữa tiệc nhạc dân tộc ở Hà Nội để biểu diễn, giao lưu nhạc cụ với dân tộc khác trên thế giới. Những nghệ nhân người Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... gặp gỡ và cảm nhận tiếng lòng, cảm xúc khi giai điệu truyền thống được vang lên. Chu Văn Thạch tự tin nói, giữ gìn âm nhạc dân tộc trong thời đại 4.0 là phải biết giao lưu và học hỏi, quảng bá đến bạn bè bốn phương để vẻ đẹp văn hóa dân tộc mình được hòa nhập và không hòa tan trong thời đại mới.
Gửi phản hồi
In bài viết