Sáng 15-2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng), Lễ hội chùa Hương chính thức khai hội tại sân Thiên Trù - chùa Hương (huyện Mỹ Đức). Đến dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cùng đại diện các sở, ngành thành phố.
Khai mạc Lễ hội chùa Hương 2024.
Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội lớn của Hà Nội kéo dài 3 tháng, thu hút hàng vạn khách tham gia mỗi ngày.
Một số tiết mục biểu diễn trong lễ khai mạc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2024 Đặng Văn Cảnh cho biết, Lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng, giàu tính nhân văn, ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Lễ hội còn là nơi hội tụ các nét đẹp văn hóa cổ truyền như: Bơi thuyền, leo núi, hát văn, hát chèo, đêm thơ, rước kiệu… cùng với tiếng trống khai hội linh thiêng.
Trước những giá trị đặc biệt của di tích, lễ hội mong muốn thu hút nhiều du khách về dự. Ban tổ chức hy vọng, du khách thập phương gần xa thể hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, đồng thời, giữ gìn và bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của lễ hội.
Khu bến bãi giữ xe luôn có người hướng dẫn.
Bến thuyền được bố trí quy củ.
Theo ghi nhận của Báo Hànộimới, trong sáng khai mạc, thời tiết chuyển rét và mưa nhưng vẫn có hàng nghìn người dự hội. Tuy nhiên, so với ngày mùng 3 và mùng 4 tháng Giêng, lượng khách đến chùa Hương không quá đông nên không xảy ra tình trạng ùn tắc, quá tải.
Du khách đi đò vào dự lễ khai hội.
Tại các khu vực gửi xe, bến đò, bến xe điện, lưu lượng vận tải phục vụ du khách diễn ra đúng quy định, được phân luồng trật tự và quy củ. Từ 5h sáng, các lực lượng an ninh, dân phòng, hướng dẫn đã có mặt ở các điểm chốt để hướng dẫn người dân dự hội gửi xe, lên thuyền.
Khách đi lễ ở chùa Thiên Trù.
Trưởng ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết, ngày khai hội chùa Hương vào ngày khai xuân, đi làm nên lượng khách đi lễ không đông như trong Tết và ngày cuối tuần. Vì thế, công tác bảo đảm an ninh, trật tự đỡ vất vả hơn. Dự kiến, trong ngày khai hội, chùa Hương đón 3 vạn khách. Tính từ ngày mùng 2 đến nay, lễ hội đón khoảng 13 vạn lượt khách.
Để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những ngày đầu diễn ra lễ hội, Ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử; nâng cao chất lượng quản lý xuồng đò, sắp xếp hàng quán, phân luồng giao thông. Bến xe có sức chứa 5.000 khách. Nếu xảy ra tình trạng quá tải, Ban quản lý sẽ sắp xếp những nơi tập trung, không để hiện tượng đỗ xe bừa bãi.
Nằm trong số những người lần đầu tiên tham gia phục vụ biểu diễn tại lễ khai mạc, chị Quách Thị Son, dân tộc Mường, thuộc đội cồng chiêng thôn Gốc Bảng, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, chia sẻ, lễ hội diễn ra trang nghiêm, nhẹ nhàng nên dù trời mưa nhưng các phật tử và du khách vẫn rất hoan hỉ.
Còn với bà Nguyễn Thị An (quận Nam Từ Liêm), năm nào bà cũng đi lễ chùa vào ngày khai hội như một thói quen. “Đầu năm, tôi hay đi lễ chùa Hương. Năm nay, ngày khai hội không quá đông, công tác tổ chức rất tốt. Chúng tôi dễ dàng gửi xe và đi xe điện đến bến đò”, bà Nguyễn Thị An nhận xét.
Theo Ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, năm nay, đơn vị đã bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát gồm khoảng 200 người, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và tuyên truyền người dân và du khách đi lễ văn minh. Đến thời điểm này, các hoạt động đón khách tại chùa Hương diễn ra thuận lợi, an toàn, ngăn nắp. Tại các khu vực bến xe, bến thuyền, đều có hướng dẫn rõ ràng cho người dân và du khách. Hoạt động xe điện phục vụ du khách diễn ra liên tục, kết nối từ bến xe đến bến thuyền. Giá các dịch vụ được niêm yết công khai, không có hiện tượng nâng giá, "chặt chém" du khách".
Gửi phản hồi
In bài viết