Tranh "Gà dạ xướng".
Cùng gọi là nghệ nhân, nhưng nghệ nhân sáng tác là bậc thầy của nghệ nhân cắt ván in (ngày nay gọi là khắc ván). Xưa, người sáng tác thường là nhà nho, người am hiểu văn hóa, lịch sử, xã hội; có tài quan sát, có khiếu thẩm mỹ... Chính vì thế mà tranh Đông Hồ có nội dung rất phong phú, không chỉ thể hiện cảnh sinh hoạt ở nông thôn mà còn có nội dung về lịch sử, tôn giáo; nhiều tranh mang ý nghĩa rất sâu sắc. Trên tranh thường có chữ Hán, chữ Nôm, sau này có cả chữ quốc ngữ.
Điều đặc biệt là trong các tranh lợn đàn, lợn độc, lợn ăn lá dáy, và cả con lợn trong tranh thổ công, Táo quân, mỗi con vật đều có hai cái khoáy - cách điệu của biểu tượng âm dương.
Từ xa xưa, qua trải nghiệm cuộc sống, người phương Đông đúc rút ra triết lý âm dương. Ban đầu là những khái niệm rất cụ thể: Giống cái - âm, giống đực - dương, Đất - âm (biểu tượng là hình vuông), Trời - dương (biểu tượng là hình tròn), dần dần người ta tìm ra nhiều cặp đối lập phổ biến khác: Phía bắc lạnh - thuộc âm, phía nam ấm - thuộc dương; mùa đông - âm, mùa hạ - dương; đêm - âm, ngày - dương...
Về sau, người ta lại phát hiện ra những quy luật cơ bản của nguyên lý âm dương: Không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, trong âm có dương, trong dương có âm. Âm và dương luôn gắn bó mật thiết với nhau, vận động và chuyển hóa cho nhau, âm phát triển đến cùng cực thì chuyển thành dương; dương phát triển đến cùng cực thì chuyển thành âm.
Tranh cổ Đông Hồ luôn có đôi, bản thân hình thức đôi tranh đã thể hiện triết lý âm dương, nội dung tranh lại càng thể hiện rõ điều này: Ông tơ - bà nguyệt (ông tơ - dương, bà nguyệt - âm); văn trường - võ trường (văn - âm, võ - dương); hứng dừa - đánh ghen (hứng dừa: Êm đềm, hạnh phúc - âm, đánh ghen: Bất hạnh, náo động - dương)...
Trong các đôi tranh đó, hai tranh có cùng phong cách, bố cục, đôi khi hoàn toàn đối xứng. Chữ trên tranh thường là một đôi câu đối hay một hai câu thơ. Ví dụ các đôi tranh: Hứng dừa - Đánh ghen ("Thôi thôi vuốt giận làm lành/ Chi điều sinh sự nhục mình nhục ta"); Tiến tài - Tiến lộc ("Tài hằng nguyên chí/ Lộc vị cao thăng"); "Văn minh tiến bộ toa tăng xương/ Phong tục cải lương moa tăng phú"; "Trưng Vương khởi nghĩa/ Triệu Ẩu xuất quân"; "Đinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận/ Đổng Thiên Vương đại phá giặc Ân"... Đó là những ĐÔI rõ ràng, ai cũng hiểu. Loại tranh này có nhiều ở những nơi hiện bán tranh Đông Hồ (bán trực tiếp hoặc online - kể cả ở làng Đông Hồ), nhưng rất tiếc là người bán tranh cứ tách riêng bán từng tranh (cho dễ bán, hay chưa hiểu triết lý âm dương?).
Hiện nay, một số đôi tranh Đông Hồ bị thất lạc một vế (ở làng Đông Hồ cũng không có). Với những tư liệu có được, tôi xin tạm phục dựng, hy vọng các nghệ nhân khắc ván cho ra những ván in chính quy. Đơn cử như tranh "Gà đại cát" mất vế "Gà nghinh xuân": Hai con gà đối xứng nhau, bố cục giống nhau, chữ "đại cát" được thay bằng chữ "nghinh xuân".
Hay tranh "Gà dạ xướng" có dòng chữ “Dạ xướng ngũ canh hòa” (“Đêm gáy năm canh đều đặn”). Mất vế kia, vẫn chú gà đó quay trở lại, và dòng chữ “Nhật minh tam tác thụy” (“Ngày mang tới ba điều lành”). Theo quan niệm xưa, tiếng gà gáy xua tan tà ma, quỷ quái, mang tới may mắn. Ở đây tác giả dùng lối chơi chữ đồng âm khác nghĩa: "Bình minh" là rạng sáng và "minh nghĩa" là gáy (kê minh: Gà gáy). Mạnh Tử có câu: "Kê minh vi thiện" (“Người tốt nghe gà gáy sáng đã dậy ngay để làm điều lành”). Trong bài thơ dài "Gia huấn ca", Nguyễn Trãi viết “Nghiệp đèn sách khuyên chồng sập sã/ Tiếng kê minh gióng giả đêm ngày...”. Cách trình bày chữ trong tranh cũng rất độc đáo: Đối xứng. Bình thường thì chữ nho phải đọc từ phải qua trái. Chữ "Dạ xướng ngũ canh hòa" đọc như thế. Nhưng chữ "Nhật minh tam tác thụy" phải đọc ngược lại - từ trái qua phải - thì mới ra câu đối.
Những thông tin trên cho thấy, việc chơi chỉ một bức tranh "Gà đại cát" hay chỉ một bức "Gà dạ xướng" làm mất đi 90% giá trị của đôi tranh, phí hoài ý tưởng gửi gắm của tác giả - một bậc túc nho đáng kính!
Nhân đây, xin nhắc tới tên tuổi một số nghệ nhân Đông Hồ sống ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đã sáng tác những đôi tranh được khắc ván in và phát hành từ nhiều năm nay mà ít thấy các phương tiện thông tin nhắc tới. Có một điểm chung, trong số các nghệ nhân sáng tác tranh Đông Hồ sau đây, không có ai là nông dân chính thức. Họ ở nông thôn nhưng không biết làm ruộng, lúc nhỏ thì đi học, về nhà thì giúp bố mẹ, ông bà phụ việc làm tranh, làm hàng mã; lớn lên, không đi thi hay thi không đỗ thì về nhà dạy học, vẽ tranh, vẽ hàng mã.
Thứ nhất là nghệ nhân Nguyễn Thể Thức (1882-1943) tên thường gọi: Cụ Đám Giác. Về các tác phẩm của cụ, có thể kể đến: "Gà thư hùng" (câu đối: “Lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông/ No vợ đủ chồng, có đầu có mỏ”); "Tiến tài - Tiến lộc" ("Tài hằng nguyên chí/ Lộc vị cao thăng"); "Chuyện đẻ trăm trứng - Vua Hùng kén rể", "Thục An Dương Vương - Triệu Việt Vương", "Đu đôi, Bắt trạch - Bịt mắt bắt dê", "Đá bóng - Nhảy đầm"...
Tiếp đến là nghệ nhân Vương Chí Long (1887-1944), tên hiệu: Ngọc Long, còn gọi là cụ đồ Long. Các tác phẩm tiêu biểu: "Vinh hoa - Phú quý", "Nhân nghĩa - Lễ trí", "Văn minh tiến bộ - Phong tục cải lương", "Rước rồng - Múa lân" (sau chuyển thành chữ quốc ngữ: "Cóc Tây múa kỳ lân - Chuột Tàu rước rồng vàng")...
Một tên tuổi nữa của dòng tranh Đông Hồ trong thế kỷ XX là nghệ nhân Phùng Đình Năng (1912-1993, tên hiệu: Hiền Năng) được biết đến với một số tác phẩm tiêu biểu như "Trưng Vương khởi nghĩa - Triệu Ẩu xuất quân", "Ngô Vương Quyền đánh giặc Hán - Trần Hưng Đạo phá quân Nguyên", "Đinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận - Đổng Thiên Vương đại phá giặc Ân", "Văn minh tiến bộ - Thể dục chấn hưng"... Hay nghệ nhân Nguyễn Thế Lãm (1913-1978) cũng đã để lại dấu ấn trong đời sống dòng tranh Đông Hồ với một số tác phẩm như: "Bảo vệ hòa bình - Kiến thiết quốc gia"; "Anh em ta quyết ra đi/ Hòa bình xây dựng phải ghi trong lòng", "Rước chim rung cánh lên giời - Hòa bình thế giới tung lời hát ca"...
Gửi phản hồi
In bài viết