Đông đảo tăng ni, phật tử và du khách về lễ hội chùa Quỳnh Lâm năm 2023.
Chùa Quỳnh Lâm tọa lạc trên núi nhỏ Tiên Du, tại phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Phía trước chùa có ao lớn, sau chùa có dòng nước uốn quanh, 4 phía xa xa núi non hùng vĩ.
Quỳnh Lâm kết nối với chùa Am-Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên (Đông Triều), cùng Vĩnh Nghiêm thuộc Bắc Giang, Sùng Nghiêm thuộc Hải Dương tạo thành hệ thống chùa chiền của thiền phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Chùa Quỳnh Lâm được người đời tôn nhận là nơi đất thiêng, phong thủy được cách thanh long, bạch hổ.
Chùa được khởi dựng từ triều Lý, đến đời Trần, chùa là nơi Trúc Lâm đệ nhất tổ Điều ngự giác Hoàng Trần Nhân Tông thường lui tới. Đệ Nhị Tổ Pháp Loa nhận lệnh tái tạo, mở mang chùa, quy mô tới hơn trăm gian, có lầu cao điện lớn, có tượng Phật Di Lặc khổng lồ, được mệnh danh là “Thiên Nam tứ đại khí”. Xét hàng quốc tự, Quỳnh Lâm thực là ngôi đệ nhất xưa nay.
Hòa thượng Thích Đạo Quang, trụ trì chùa Quỳnh Lâm, thỉnh chuông khai hội.
Màn trống khai hội chùa Quỳnh Lâm 2023.
Chùa Quỳnh Lâm là di tích có giá trị quan trọng thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, có vai trò to lớn đối với lịch sử Phật giáo Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam.
Chùa Quỳnh Lâm có giá trị tinh thần đối với người dân Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung. Các vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều đã về tu ở chùa. Trong đó, người có công lớn trong việc tu tạo, mở mang phát triển chùa Quỳnh Lâm trở thành trung tâm Phật giáo lớn của cả nước chính là Thiền sư Pháp Loa - Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.
Lễ rước nước.
Hằng năm, chùa Quỳnh Lâm mở hội từ ngày mùng 1 đến hết mùng 3 tháng 2 âm lịch. Hội chùa gồm phần nghi lễ tâm linh cầu Quốc thái dân an và phần hội tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân, du khách thập phương chiêm bái, lễ Phật đầu xuân.
Gửi phản hồi
In bài viết