Thu hút sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ đến từ 22 đơn vị nghệ thuật trong cả nước, Liên hoan mang đến cơ hội để các nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật ca, múa, nhạc có dịp giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp; qua đó giúp cơ quan quản lý văn hóa, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật phát hiện những tài năng trẻ để có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ, NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định: Với liên hoan, thêm một lần nữa giữa Tây Nguyên hùng vĩ, các nghệ sĩ được phô diễn tài năng cũng như khát khao sáng tạo, cống hiến, tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê nghề nghiệp sau thời gian dài hoạt động nghệ thuật biểu diễn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Đây cũng là dịp để Đắk Lắk quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu với các tỉnh bạn, và là dịp để người dân Đắk Lắk thưởng thức văn hóa nghệ thuật qua các chương trình, tiết mục ca múa nhạc tiêu biểu của các nghệ sĩ, diễn viên tham gia Liên hoan, góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao hơn.
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đánh giá cao sự chuyển mình tích cực của các đơn vị nghệ thuật trong những năm qua để bắt kịp sự thay đổi lớn lao đang diễn ra trên mọi phương diện của đất nước. Đó là sự chủ động mở rộng tư duy sáng tạo, mạnh dạn hành động để đón nhận những điều mới mẻ đang hình thành và đồng hành cùng với nó.
“Chúng ta đã, đang và vẫn sẽ là những người giữ lửa đam mê nghệ thuật để tiếp thu những tinh hoa, bảo tồn những giá trị căn cốt của văn hóa dân tộc trong từng lời ca, điệu múa, trong từng tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc”, NSƯT Trần Ly Ly nhấn mạnh.
Ngay sau phần khai mạc, Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã dự thi mở màn với chương trình “Những bức tranh bazan đỏ”, mang đến những thanh âm, vũ điệu đậm màu sắc đại ngàn.
Liên hoan diễn ra đến hết ngày 30/6/2022.
Gửi phản hồi
In bài viết