Ngày hội còn có sự tham gia của các nghệ nhân đến từ Nhà hát múa rối cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) biểu diễn múa rối nước, rối cạn, rối điện; Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) trình diễn trống trận, nhạc võ Tây Sơn…
Hoạt động này sẽ diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/11 với nhiều hoạt động nghệ thuật như: Trình diễn cồng chiêng, múa xoang, tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đoàn nghệ nhân làng Kép (thành phố Pleiku); biểu diễn múa sạp, múa xoè của người Mường, lễ múa cấp sắc của người Tày, Nùng của đoàn nghệ nhân xã Ia Lâu (huyện Chư Prông); biểu diễn múa khèn của người H'Mông, thổi sáo trúc của đoàn nghệ nhân xã Ia Hội (huyện Đắk Pơ).
Tại ngày hội, người dân và du khách còn được các nghệ nhân hướng dẫn trải nghiệm các hoạt động văn hóa như nặn tò he, viết thư pháp, thưởng thức trà đạo, đan lát, tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên; tham gia vào các trò chơi dân gian như múa sạp, múa xòe, ném còn, giã gạo, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo; thưởng thức ẩm thực truyền thống của các dân tộc như món thắng cố, mèn mén, các loại bánh dân gian…
Ngày hội Di sản năm 2022 là hoạt động nhằm tạo cơ hội để 43 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai, có dịp gặp gỡ giao lưu về văn hóa, khơi dậy niềm tự hào đối với các di sản dân tộc mình, hướng đến bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Gửi phản hồi
In bài viết