Xuân năm nay, tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, diễn ra nhiều hoạt động thú vị, với sự tham gia của các dân tộc sinh sống hằng ngày tại Làng, và các đoàn nghệ nhân, bà con dân tộc từ các tỉnh tham dự sự kiện “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”. Các hoạt động theo chủ đề trong tháng 2 có khoảng gần 100 đồng bào của 13 dân tộc tham gia như: Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer, thu hút sự tham gia của 12 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hằng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Sóc Trăng).
Du khách vui chơi, tham quan tại Làng. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Du khách đến Làng được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán giàu bản sắc như lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô tỉnh Hà Giang, lễ mừng lúa mới của dân tộc K’ho tỉnh Lâm Đồng hay lễ cưới truyền thống của người Ba Na tỉnh Gia Lai.
Ngoài ra, còn có các chương trình nghệ thuật truyền thống, dân ca dân vũ của các dân tộc, chúc phúc cầu an đầu năm mới, giới thiệu các nghi thức đón Tết của đồng bào các dân tộc theo truyền thống vùng, miền; các hoạt động lễ hội, âm nhạc đầu năm mới.
Du khách cũng được giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa xuân của các dân tộc như múa xòe, nhảy sạp, múa au eo, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa.
Những người yêu thích các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian có thể tham gia các trò chơi dân gian truyền thống mùa xuân như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến, kéo co, bắn nỏ, bập bênh, đánh đu...
Trong dịp đầu năm, bà con các dân tộc cũng đem đến Làng những nét đặc sắc nhất trong văn hóa ẩm thực của dân tộc mình với các món ăn đặc sắc như xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu… của dân tộc Mường; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu… của dân tộc Thái.
Tại nhiều khu làng, du khách còn được tham quan và trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt, sản xuất hằng ngày của người dân như hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam...
Người dân tham quan nhà Mường. (Ảnh: TUYẾT LOAN)
Anh Đinh Mỡi, hiện đang công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện K’Bang (Gia Lai), phụ trách đoàn nghệ nhân người Ba Na ra thực hiện sự kiện tái hiện lễ cưới truyền thống Ba Na tại Làng cho hay: “Bà con rất háo hức và mong được giới thiệu tới khách du lịch ở Hà Nội những nét đẹp của những tập tục truyền thống, giàu bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Những tập tục trong lễ cưới truyền thống cũng bộc lộ những quan điểm trong cuộc sống của của người Ba Na, đó là trọng tình nghĩa, trọng tính cộng đồng, đặt sự trung thực, thủy chung lên hàng đầu”.
Những ngày đầu xuân, du khách trở lại tham quan Làng khá đông. Tại nhiều điểm chờ xe điện trong ngày cuối tuần, nhiều du khách phải chờ qua vài chuyến xe mới lên được vì chuyến nào cũng đầy kín chỗ.
Chị Nguyễn Thu Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam là địa chỉ quen thuộc của gia đình chị trong nhiều dịp cuối tuần. “Một thời gian dài do dịch bệnh, gia đình tôi không thể đưa trẻ con lên đây được. Dịp Tết này, khi Làng mở cửa trở lại với nhiều hoạt động, chúng tôi lại đưa các con lên đây để trải nghiệm, tìm hiểu thêm về sự phong phú và độc đáo trong văn hóa của nhiều dân tộc. Đây cũng là một địa điểm đẹp để chụp ảnh, tham quan, khám phá. Không gian rộng rãi, thoáng, nhiều cây xanh cũng là một lựa chọn tốt trong mùa dịch này”, chị chia sẻ.
Theo thống kê của Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, từ mùng 2 đến mùng 6 Tết, có 16.600 lượt du khách đến tham quan, du lịch tại Làng. Trong hai ngày 12 và 13/2 diễn ra chương trình “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, thời tiết xấu, mưa phùn nặng hạt và rét đậm, nhưng vẫn có tới 2.250 lượt khách đến tham quan, du lịch.
Với những hoạt động phong phú, hấp dẫn, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam đang dần trở lại là điểm đến quen thuộc với người dân Thủ đô, sau một thời gian dài phải im ắng vì đại dịch.
Gửi phản hồi
In bài viết