Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, nhiều hồ, đập, đê điều trên địa bàn tỉnh trong tình trạng mất an toàn, khiến người dân lo lắng.
Dự án kè chống sạt lở bảo vệ tuyến đê An Khang (bờ hữu sông Lô), thành phố Tuyên Quang đang tạm dừng thi công khiến tình trạng sạt lở tiếp diễn.
Ông Ma Văn Tấn, Trưởng Ban quản lý công trình thủy lợi xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho biết, xã có 3 công trình hồ, đập tích nước phục vụ sản xuất. Trước đây các đập đều là đập đất xây dựng từ lâu qua thời gian hư hỏng gây mất an toàn. Từ năm 2020 đến nay, 2/3 đập được tỉnh đầu tư tu sửa, gia cố thân đập bê tông vững chắc. Hiện nay xã còn hồ Kẹn tưới cho 8 ha lúa đang trong tình trạng hư hỏng, phía xả tràn lũ sạt lở, thân đập bằng đất xuất hiện điểm dò nước tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vào mùa mưa lũ cũng như không thể tích nước vào mùa khô.
Trên đoạn đê sông Lô qua xã An Khang, thành phố Tuyên Quang nhiều vị trí sạt lở, trong đó có một vị trí sạt lở lấn gần vào thân đê. Từ nguồn vốn dự án thành phần số 4 về xử lý sạt lở cấp bách sông, suối tỉnh Tuyên Quang thuộc Dự án xử lý sạt lở cấp bách sông, suối một số tỉnh miền núi phía Bắc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đoạn đê bên hữu sông Lô bị sạt lở tại xã An Khang được đầu tư tu sửa với tổng mức đầu tư của công trình hơn 80 tỷ đồng; công trình bắt đầu khởi công từ tháng 3-2023. Tuy nhiên, đến nay công trình phải ngừng thi công do chưa có mặt bằng, tình trạng sạt lở tiếp tục lấn vào thân đê làm mất diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân.
Theo kết quả kiểm tra công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh còn 68 công trình đập, hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng và có nguy cơ mất an toàn, trong đó 31 công trình bị hư hỏng, xuống cấp phải tích nước hạn chế. Một số tuyến đê, kè bị ảnh hưởng bởi thiên tai bị hư hỏng không đảm bảo cho an toàn chống lũ. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp, tình hình mưa lũ diễn biến khó lường khiến nguy cơ mất an toàn.
Hồ Hố Nứa, xã Đội Bình (Yên Sơn) hoàn thành gia cố mặt đập phía thượng lưu và đang tiến hành thi công các hạng mục còn lại.
Kịp thời xử lý các điểm mất an toàn
Hồ Hố Nứa, xã Đội Bình (Yên Sơn) rộng hơn 4 ha, cung cấp nước tưới cho gần 50 ha lúa của xã. Hồ được xây dựng nhiều năm, thân đập được đắp bằng đất có chiều cao đập hơn 10 m, qua nhiều năm sử dụng xuất hiện hư hỏng, nước thấm qua thân đập. Từ nguồn vốn Dự án xử lý cấp bách các công trình hồ chứa nước bị hư hỏng do ảnh hưởng bão, hồ Hố Nứa được đầu tư sửa chữa với các hạng mục gia cố nền đập, tràn xả lũ; công trình được khởi công từ tháng 6-2023, đến nay công trình đã hoàn thành 50% khối lượng công việc. Anh Tô Trọng Tuấn, chỉ huy công trường cho biết, do tính chất công trình quan trọng nên đơn vị huy động nhân lực máy móc; tăng ca làm việc để đẩy nhanh tiến độ thi công bảo đảm tiến độ đề ra. Đến nay các hạng mục thi công như mái phía thượng lưu đập, tràn xả lũ đã hoàn thành. Hạng mục gia cố mái hạ lưu và bê tông mặt đập đang được đơn vị đẩy nhanh thi công và phấn đấu hoàn thành sửa chữa trong tháng 9-2023.
Ông Âu Văn Lâm, người dân ở phía hạ du hồ Hố Nứa chia sẻ, hồ này được xây dựng từ lâu, qua nhiều lần sửa chữa nhưng người dân vẫn lo lắng, đặc biệt là những ngày mưa lớn. Chiều cao của mặt nước hồ so với nhà dân và mặt ruộng khoảng gần 10 m, nên nếu có sự cố sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, với quy mô và tiến độ tu bổ toàn diện như lần này, bằng mắt thường thì chúng tôi thấy rất yên tâm.
Để bảo đảm an toàn cho các hồ đập trong mùa mưa bão, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng trước mùa mưa bão kiểm tra trực tiếp các hồ, đập trên địa bàn, đánh giá mức độ an toàn đập, hồ chứa. Lập danh mục các hồ, đập chứa bị hư hỏng, xuống cấp và xây dựng phương án chủ động bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du.
Biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, việc bảo đảm an toàn hồ, đập cần được coi trọng và quan tâm thường xuyên. Cùng với việc tu sửa, nâng cấp các công trình đã xuống cấp, hư hỏng, các đơn vị chức năng và các địa phương cần tăng cường giám sát, có các biện pháp theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tình hình hồ đập, từ đó có các giải pháp điều tiết lượng nước trong hồ hợp lý, xử lý sự cố kịp thời, ngay từ ban đầu.
Gửi phản hồi
In bài viết