Đau đáu với “đứa con tinh thần”
Với mỗi nhà báo đoạt giải thưởng tại các giải báo chí, họ luôn đau đáu với “đứa con tinh thần” của mình từ khi ấp ủ đề tài, xây dựng đề cương, kịch bản cho đến khi đi thu thập thông tin, ghi hình, chụp ảnh và thể hiện tác phẩm. Ở mỗi công đoạn, nhà báo dồn vào đó cả tâm, trí và lực. Bởi để có một tác phẩm báo chí hay, mang hơi thở cuộc sống, mỗi công đoạn đều phải có sự đầu tư, trăn trở tìm ra chất liệu tốt nhất, đắt và hay nhất đưa vào tác phẩm.
Nhà báo Nguyễn Thị Minh Tuyên, Trưởng phòng Thư ký tòa soạn Báo Tuyên Quang cho biết, khi xây dựng đề cương loạt bài “Biết soi, biết sửa - Mở cửa lòng Dân” - Tác phẩm đoạt giải B Giải Búa liềm vàng năm 2023, chị và nhóm tác giả nhiều lần phải chỉnh sửa đề cương chi tiết cho tới khi thật sự đảm bảo về chất lượng. Từ tít chính, tít phụ cho đến sapo loạt bài viết được chị và các tác giả trong nhóm phải sửa chữa nhiều lần cho tới khi thật ưng ý. Nhiều đêm, nghĩ về tác phẩm của mình, chị cũng như đồng nghiệp không sao chợp mắt được, bởi cảm thấy có điều gì đó như đang thôi thúc, đang chờ đợi. Có nhiều đoạn viết trong loạt bài được viết ra từ đêm khuya khi chị và đồng nghiệp trăn trở, suy tư đau đáu.
Nhà báo Dương Thủy, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tác nghiệp tại vườn cam huyện Hàm Yên.
Nhà báo Hoàng Minh Phương, Phó trưởng phòng Phát thanh - Truyền hình tiếng dân tộc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh chia sẻ, chị đã ấp ủ ý tưởng viết về kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong một thời gian dài và luôn theo đuổi tìm hiểu về việc thực hiện nghị quyết ở các địa phương. Năm 2023, chị và đồng nghiệp quyết định đề xuất thực hiện tác phẩm Lửa Then cháy mãi tham gia Giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch lần thứ nhất. Tác phẩm cũng đã được trao giải B. Nhà báo Minh Phương cho biết, thực hiện tác phẩm này, chị luôn trăn trở trong việc gặp gỡ những nhân vật nào có tầm ảnh hưởng, am hiểu sâu về văn hóa để phỏng vấn. Sự trăn trở và đau đáu với tác phẩm dự thi đã đem đến cho nhà báo Minh Phương nhiều giải cao tại các giải thưởng báo chí Trung ương và tỉnh.
Sự đau đáu với mỗi tác phẩm báo chí của các nhà báo, phóng viên đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, tinh thần cống hiến với nghề để họ chinh phục nhiều giải thưởng báo chí danh giá.
Kỷ niệm khó phai
Nhà báo Trần Thị Liên, Phó trưởng Phòng Phóng viên chia sẻ trong quá trình thực hiện Loạt bài Tín chỉ các bon rừng - Cơ hội tạo nguồn lực tăng trưởng xanh - Tác phẩm đoạt giải C Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII năm 2023, chị và đồng nghiệp phải leo đồi dốc, có hôm trời mưa trơn trượt, thế nhưng niềm say nghề, đam mê với nghề đã tiếp thêm cho chị động lực để bước tiếp.
Nhà báo Nguyễn Thu Hằng, phòng Báo Điện tử Báo Tuyên Quang chia sẻ, loạt bài Megastory “Trái tim người Mông hòa chung một nhịp” của chị và các tác giả Minh Hoàng, Thanh Thủy đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi viết với chủ đề “Bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở” do Bộ Công an và Báo Nhân Dân tổ chức là quả ngọt từ những chuyến đi đến với các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Mông. Những chuyến đi đó, chị và đồng nghiệp hòa mình cùng với đời sống người Mông, cùng ăn, cùng ở, cùng làm để tìm hiểu về tâm tư của người Mông, chị càng hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng và gian nan của những chiến sỹ Công an nhân dân trong công tác đấu tranh, vận động người Mông không tin, không nghe theo kẻ xấu.
Thực hiện phóng sự truyền hình dài 15 phút “Học Bác để giữ rừng” - tác phẩm đoạt Giải B Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp Trung ương, nhà báo Nguyễn Thủy, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cùng ê-kíp đã phải lên chốt bảo vệ rừng xa xôi nhất trong tỉnh - chốt Mu Măn, xã Sơn Phú (Na Hang) để quay hình. Nhà báo Nguyễn Thủy chia sẻ: “Phải đi bộ hàng chục tiếng đường rừng, trên đường chỉ toàn đá tai mèo, nhiều khi còn gặp rắn độc nhưng chị và ê kíp không chùn bước, sợ hãi. Bởi những tấm gương cán bộ kiểm lâm học và làm theo Bác xả thân giữ rừng đã thôi thúc chúng tôi”. Người bình thường không mang vác gì đi đường rừng đã vất vả nhưng quay phim phải mang vác máy quay, chân máy quay đến vài chục kg là cả một sự nỗ lực và dũng cảm rất lớn. Chị Thủy chia sẻ: “Những chuyến đi ấy tuy vất vả thực sự nhưng đó là kỷ niệm không thể phai đối với tôi”.
Mỗi tác phẩm báo chí đoạt giải đánh dấu những nỗ lực, sự trưởng thành trong nghề của mỗi phóng viên, nhà báo. Và những giải thưởng ấy sẽ càng tiếp thêm cho đội ngũ người làm báo trong tỉnh không ngừng sáng tạo, đổi mới, dấn thân để xứng đáng với tên gọi là chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng.
Gửi phản hồi
In bài viết