Chuyện vượt đèo Khau Lắc

- Trong chuyến công tác về huyện Lâm Bình cách đây hơn chục năm, chúng tôi gặp cảnh đi không được mà về cũng không xong. Đó là khi đi đến đoạn chân đèo Khau Lắc thì trời bỗng đổ mưa, mặt đường trở nên trơn trượt, một bên là vách đá còn một bên là vực sâu thăm thẳm, những bánh xe cứ thế quay tít. 

Tác giả chụp ở đèo Khau Lắc hơn 10 năm trước. 

Không sang được trung tâm huyện mới, chúng tôi đành dừng chân ở xã Bình An và đêm đó được người dân mời tham dự một đám cưới. Được xem những tiết mục văn nghệ đặc sắc giao lưu giữa các dân tộc, dù đã lâu nhưng tôi vẫn còn nhớ giọng anh Thanh Quản người được dân làng phong là “họa mi của núi rừng”. Anh là người Tày, khi anh hát tiếng Then bay lên ngợi ca sự đổi mới của quê hương dưới sự chỉ lối soi đường của Đảng. Chính nhờ tiếng hát ấy của anh, tôi tìm về khu tái định cư thôn Tiên Tốc, viết được phóng sự về cuộc sống của người Mông nơi đây đổi thay từ chăn nuôi trâu nhốt chuồng. Nhưng thú vị hơn là chúng tôi được đắm mình với khèn với bao khát vọng của người dân nơi này.

Và khát vọng ấy nay đã thành hiện thực, con đường về Lâm Bình giờ đây không còn gian nan nữa, đặc biệt là đoạn đường đèo Khau Lắc đã được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, xe chạy bon bon trên con đường rộng thênh thanh, có hộ lan an toàn. Tuyến đường qua đèo được trồng hoa đào rừng, mùa đào nở khách đổ về trải nghiệm vui như đi hội. Mỗi lần đi qua đây, lên đến đỉnh đèo tôi thường dừng lại ngắm nhìn thị trấn Lăng Can từ trên cao. Một thị trấn đang đổi thay từng ngày và nhớ lại một thời đường đi lối lại gian nan mà bỗng thấy lòng vui đến lạ. Lâm Bình ơi, Tuyên Quang ơi cuộc sống đang tươi mới từng ngày…

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục