Nhiều giải pháp thiết thực
Đồng chí Đỗ Văn Oánh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, đặt mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm 2021, Đảng ủy, UBND xã tổ chức tốt việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân. Qua đó, cán bộ chủ chốt của xã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân trong quá trình xây dựng NTM. Ban đầu, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đúng về xây dựng NTM mới nên có biểu hiện trông chờ vào nguồn đầu tư của cấp trên. Phú Thịnh là xã thuần nông, dân cư không tập trung, kinh tế chưa phát triển, nhân dân trong xã chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Do đó, việc huy động đóng góp xã hội hóa các nguồn lực để xây dựng hạ tầng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.
Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo Ủy ban MTTQ xã và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các chi bộ thôn tăng cường tuyên truyền, công khai các chủ trương của Đảng, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án xây dựng trên địa bàn gắn với xây dựng NTM, đặc biệt là việc triển khai xây dựng hạ tầng trên địa bàn theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ nhân dân làm”. Đồng thời, tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu về phát huy quyền làm chủ của chính mình, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Từ đó để “dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”. Tại 6 thôn có 6 Ban Thanh tra nhân dân, 6 Ban giám sát đầu tư cộng đồng hoạt động theo quy chế, thực hiện giám sát các công trình xây dựng NTM.
Tại bộ phận “Một cửa” của UBND xã, UBND xã công khai các nội dung các khoản đóng góp của nhân dân xây dựng NTM về sửa sang nhà văn hóa thôn, làm đường bê tông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng...
Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, người dân xã Phú Thịnh (Yên Sơn) tích cực hưởng ứng
dịch vụ thu gom rác thải có trả phí hàng tháng.
Nông thôn mới khởi sắc
Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ, người dân trong xã đã nỗ lực vượt khó, góp phần đắc lực vào xây dựng NTM của địa phương. Cán bộ, đảng viên, nhân dân của xã đã đóng góp gần 345 triệu đồng xây dựng NTM, hiến 1.623 m2 đất để làm đường bê tông, đường nội đồng, trường học. Nhân dân đã góp sức thực hiện trên 16 km “Thắp sáng làng quê”, trồng các tuyến đường hoa với chiều dài 4,4 km, đóng góp 318 ngày công lao động tham gia xây dựng NTM.
Trong năm qua, toàn xã đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 24 hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí gần 860 triệu đồng. Các hộ gia đình tự chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên, xây dựng 3 công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn. Hiện nay, xã có 458 nhà ở đạt chuẩn, chiếm 73,28%. Xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Người dân địa phương tích cực thi đua phát triển kinh tế, thu nhập bình quân trên địa bàn toàn xã đạt trên 40 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 7 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm giảm còn 3,99%, hộ cận nghèo giảm còn 5,84%.
Những ngày này, nhiều hộ dân thôn Nghẹt đang hoàn thiện xây dựng nhà ở, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Trong ngôi nhà sắp hoàn thiện, ước tính trị giá khoảng 800 triệu đồng, đồng chí Lý Văn Rau, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hồ hởi cho biết, thôn có 120 hộ, đa số là người dân tộc Dao. Thành quả lớn nhất của thôn nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đó là người dân hiểu xây dựng NTM là chủ trương hợp ý Đảng - lòng dân, sức dân là vô địch, khi có chủ trương đúng, người dân đồng lòng, cán bộ quyết tâm thì sẽ có được kết quả cao. Do đó, dù khó khăn, người dân trong thôn xóa nhà ở tạm, nhà dột nát để hoàn thành tiêu chí về nhà ở; tích cực hưởng ứng dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt trả phí hàng tháng.
Qua lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã khơi dậy được sức mạnh tổng hợp trong nhân dân để về đích nông thôn mới năm 2021. Từ đó, năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền được phát huy và nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Gửi phản hồi
In bài viết