“Khoảng trống” đau lòng

- Cách đây hơn 4 tháng, vụ việc một em bé gái tại Hà Nội phải chỉ định mổ đẻ, sinh con vì bị xâm hại tình dục khiến cho dư luận vô cùng bức xúc, xót xa. Chúng ta - không ai muốn nhắc lại vụ việc đau lòng ấy. Nhưng vừa mới đây, báo chí đưa tin một bé gái 13 tuổi ở Gia Lai bất ngờ biết mình có thai 4 tháng khi đi khám bệnh do bị xâm hại tình dục, một lần nữa lại khiến cộng đồng mạng và dư luận xã hội “dậy sóng” phẫn uất với “yêu râu xanh” ẩn mình dưới vỏ bọc là “cha dượng”.

Chỉ hai vụ việc ấy gần đây nhất đã cho thấy, tình hình xâm hại tình dục ở trẻ em ngày càng có diễn biến phức tạp. “Khoảng trống” được tạo ra phần lớn là do sự lơ là, buông lỏng quản lý, chăm sóc, thiếu sự sát sao với con em mình của không ít gia đình.

Tại báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giai đoạn 2020 - 2025 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định, tình hình xâm hại trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ năm 2020 đến hết tháng 9 năm 2023, cả nước phát hiện 7.483 vụ, 8.788 đối tượng, xâm hại 7.883 trẻ em, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 80% số vụ xâm hại, có cả trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại. Một số vụ việc trẻ em bị xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng như trẻ em nữ mang thai, chết, tự tử do người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là thủ phạm.

Đối tượng xâm hại tình dục lợi dụng mối quan hệ gia đình, gần gũi giữa người chăm sóc, người nuôi dưỡng với trẻ em, người thân thích, họ hàng, hàng xóm để gây sức ép, thực hiện hành vi xâm hại. Trong khi đó, ở một số gia đình, sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, cha mẹ thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý con cái; nhiều trẻ em chưa được trang bị kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục, tự bảo vệ bản thân, nhất là lứa tuổi vị thành niên. Các em khi bị xâm hại tình dục đều có tâm lý sợ hãi, im lặng, không dám tố giác kẻ phạm tội, chỉ đến khi cha mẹ phát hiện có những biểu hiện khác lạ thì lúc ấy mọi việc mới vỡ lở.

Sự thiếu hiểu biết về pháp luật và sự lơ là, thiếu quan tâm, chăm sóc con trẻ của nhiều gia đình hiện nay đã không tạo ra được “hàng rào chắn” vững chắc để bảo vệ trẻ em trước những kẻ suy đồi về đạo đức. Ở cả thành thị lẫn nông thôn, nhiều gia đình mải làm ăn kinh tế, bỏ mặc con trẻ ở nhà với ông bà, anh chị, người thân, hàng xóm trông nom. Đây chính là “kẽ hở” tạo cơ hội và là mầm mống cho hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Ở một số nghiên cứu chuyên sâu về nguyên nhân của các vụ việc xâm hại tình dục ở trẻ em đã chỉ ra nguyên nhân hàng đầu khiến gia tăng tội phạm xâm hại tình dục ở trẻ em chính là do gia đình thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự chia sẻ về giới tính với trẻ em. Trong bối cảnh, trẻ em tiếp xúc, sử dụng mạng xã hội, Internet khá sớm mà thiếu đi sự hướng dẫn, định hướng của cha mẹ sẽ dễ dẫn đến việc trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục, do các em thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, ngộ nhận đó là hành động thể hiện tình yêu thương của người thân trong gia đình.

Các chuyên gia về tâm lý trẻ em trong nước và quốc tế khẳng định rằng, trong cuộc chiến chống xâm hại tình dục ở trẻ em, vai trò của gia đình, cha mẹ rất quan trọng. Gia đình cần giáo dục giới tính sớm cho con cái. Bên cạnh việc chăm lo về vật chất, đảm bảo các điều kiện cho con cái học tập thì cần trang bị kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục, kiến thức về sức khỏe sinh sản, thậm chí cần giáo dục cho trẻ nhận biết những đụng chạm không an toàn.

Mỗi gia đình cần nhận thức rằng phòng ngừa xâm hại tình dục càng tốt bao nhiêu thì nguy cơ, rủi ro đến với trẻ em càng ít bấy nhiêu và không ai bảo vệ các em tốt bằng chính bản thân các em. Bởi vậy, trách nhiệm chính trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ em trước tiên thuộc về mỗi gia đình. Và chỉ khi gia đình, cha mẹ dành cho các em sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc, chia sẻ, thấu hiểu mới có thể cùng với cộng đồng ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục trẻ em, không còn những “khoảng trống” đau lòng như những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em vừa qua.

Dương Cầm

Tin cùng chuyên mục