Những đứa trẻ biết tuốt

- Cậu con trai út của tôi năm nay vào lớp 1. Không học thêm, không học luyện viết trước, ngày tựu trường, tôi cũng không khỏi lo lắng sợ con không theo kịp các bạn. Vì những người bạn cùng lứa với con tôi, 3 tháng hè đã cắp cặp chuyển từ lớp luyện chữ này sang lớp tiếng Anh kia…

Sau gần 1 tháng tựu trường, mọi chuyện cũng ổn. Con cứng tay hơn các bạn, nét chữ rõ ràng. Con biết đọc và ghép vần nhanh, gọn gàng. Đấy là nhận xét của cô giáo chủ nhiệm.

Lớp có lập một nhóm Zalo, trao đổi tình hình học tập của các phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm. Nhiều khi trên lớp học chưa trả hết trẻ, đã thấy có phụ huynh nhắn tin lên nhóm lớp hỏi cô giáo bài tập về nhà. Và rất nhiều em, vừa bỏ cặp sách trên lưng, đã chuyển Video quay trả bài tập cho cô giáo để kịp chuyển sang một lớp học thêm khác.

Giáo viên cậu con trai của tôi than thở: Nhiều khi mình là giáo viên, mà không áp lực về chuyện điểm số, học hành như nhiều phụ huynh. Những ngày đầu năm học, các con mới bắt đầu làm quen với chữ, với số, nhưng đã có nhiều phụ huynh thắc mắc sao vẫn chưa thấy con có bài tập toán có phép tính cộng trừ (?).

Chuyện dạy con “biết tuốt” trước khi vào lớp 1 dường như trở thành trào lưu đối với những cha mẹ có con ở độ tuổi 4, 5. Những lớp luyện viết chữ đẹp, tập đọc, ghép vần – còn gọi là lớp tiền tiểu học - liên tục tuyển sinh, mỗi lớp 35-40 em.

Tại Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các trường tiểu học, các cơ sở giáo dục mầm non phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng đắn về tác hại của việc dạy học trước chương trình lớp 1, không cho trẻ học trước chương trình lớp 1. Đồng thời, nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1.

Các chuyên gia về giáo dục cho rằng, việc dạy học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1, vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1; ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt.

Theo các chuyên gia giáo dục, thay vì cho trẻ đi học trước chương trình, phụ huynh cần dành thời gian trò chuyện với con về những thay đổi và niềm vui khi đi học lớp 1. Trong đó, đặc biệt ưu tiên dạy trẻ những kỹ năng tự phục vụ như: tự đi vệ sinh, tự mặc quần áo, tự sắp xếp sách vở vào ba lô, cất sách vở ở đúng ngăn, kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập trước khi ra về...

Các kỹ năng về giao tiếp như kết bạn, trò chuyện với các bạn, thầy cô và mọi người xung quanh; biết chào hỏi, ứng xử phù hợp với từng mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, bố mẹ, anh chị em. Kỹ năng thể hiện bản thân như biết mạnh dạn thể hiện quan điểm, suy nghĩ của bản thân, biết mạnh dạn giơ tay phát biểu hoặc tự tin trả lời các câu hỏi của thầy cô; biết nói ra nhu cầu của bản thân hay mong muốn khi cần sự hỗ trợ của cô giáo, bạn bè...

Bên cạnh đó, cha mẹ cần giúp trẻ sinh hoạt có nền nếp, giờ nào việc nấy vì trẻ phải hiểu được rằng ở nhà trường sẽ có quy tắc nhất định mà tất cả mọi người đều phải thực hiện.

Bệnh thành tích trong giáo dục là điều mà cả xã hội nhắc đến suốt nhiều năm nay. Thế nhưng, nhìn đi, cũng phải nhìn lại. Mới đây, câu chuyện một sinh viên ngành Thiết kế đồ họa, làm bài thi môn Màu sắc, sử dụng AI hỗ trợ, nhưng sau đó chỉnh sửa ẩu, để lại nhiều lỗi, trong đó có bài vẽ con thỏ thừa thiếu nhiều chi tiết. Giảng viên cho 0 điểm.

Người nhà sinh viên gây áp lực, nhà trường chấm lại bài thi và số điểm sinh viên thay đổi từ 0 lên 5 điểm. Người nhà sinh viên tiếp tục gây áp lực, yêu cầu nhà trường đuổi việc giảng viên… Nhìn từ gốc, thì việc này cũng bắt nguồn từ chính những kỳ vọng lớn lao của người lớn dành cho con em mình.

Những kỳ vọng này, vô hình trung, gây áp lực cho giáo viên và chính con em mình.

Áp lực này, đè nặng trẻ từ những ngày mới làm quen với A B C, thì hẳn nặng nề hơn rất nhiều.

Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục