Khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo

- Cùng với việc quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, tỉnh đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo. Đồng thời tạo môi trường làm việc thuận lợi để cán bộ phát huy năng lực, sở trường đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.

Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ

Thời gian qua tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt các khâu trong công tác cán bộ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cùng với đó, chủ trương tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo đã tạo nền tảng quan trọng hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở với phẩm chất “7 dám”. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã cử 1.653 cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó, 1.460 cán bộ được đào tạo trình độ đại học; 145 cán bộ được đào tạo trình độ Thạc sĩ và 37 cán bộ được đào tạo chuyên khoa cấp I; 8 cán bộ được đào tạo trình độ Tiến sĩ và 3 cán bộ được đào tạo chuyên khoa cấp II. Tỉnh đã cử trên 24.900 lượt cán bộ, công chức, viên chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm... Về đào tạo lý luận chính trị, cao cấp có 472 đảng viên; trung cấp có 1.527 đảng viên; sơ cấp có 3.831 đảng viên. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao việc đột phá, đổi mới với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Năm 2020 và giai đoạn 2020 - 2025, đã giao 51 việc cho 22 đồng chí; năm 2021, 2022 và giai đoạn 2021 - 2025, đã giao 266 việc cho 78 đồng chí; năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục giao 219 việc cho 78 đồng chí.

Lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực 1 trao bằng tốt nghiệp cho các học viên lớp Cao cấp Lý luận chính trị hệ không tập trung tỉnh Tuyên Quang (khóa học 2021 - 2023). Ảnh: K.T

Các việc đột phá được giao đều tập trung vào những việc mới, việc khó, nổi cộm ở cơ sở để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Đây vừa là giải pháp để rèn luyện cán bộ, đồng thời cùng góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thực hiện “tự soi”, “tự sửa”, qua đó giúp cấp ủy, chi bộ nắm được tình hình cán bộ, đảng viên, có giải pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ cán bộ, đảng viên kịp thời sửa chữa, khắc phục các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Tạo môi trường để cán bộ cống hiến

Trước những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngày 01/7/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 20-QĐ/TU quy định tạm thời về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là quy định mới, có thể coi là sự bứt phá về chính sách công tác cán bộ của tỉnh nhằm động viên, khích lệ, tạo môi trường, điều kiện để cán bộ phát huy khả năng, trí tuệ, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. 

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả tạo cơ sở cho cán bộ, đảng viên đổi mới sáng tạo. Việc tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý công chức, viên chức, bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động sẽ tạo động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, nỗ lực cố gắng phấn đấu, phát huy tính năng động, đổi mới, sáng tạo dám nghĩ, dám làm. Qua đó, thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Trong nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Đề án số 15-ĐA/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang  giai đoạn 2023 - 2030; Đề án số 16-ĐA/TU về luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, luân chuyển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện đồng bộ. Đây là chủ trương, biện pháp để tạo nguồn và xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý.

Từ đó, chất lượng cũng như tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã được nâng lên, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn công tác được tăng cường, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân tộc của từng địa bàn, cơ quan, đơn vị. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ tham gia cấp ủy tỉnh là nữ chiếm 29,17%; là người dân tộc thiểu số chiếm 41,67%; tuổi đời trẻ dưới 40 tuổi chiếm 4,17%. Cấp ủy huyện và tương đương, cán bộ nữ chiếm 21,50%; cán bộ người dân tộc thiểu số chiếm 38,94%; cán bộ tuổi đời trẻ dưới 40 tuổi chiếm tỷ lệ 15,89%. 

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, tỉnh cũng đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đào tạo cán bộ. Đồng thời khen thưởng những cán bộ, đảng viên có tinh thần đổi mới sáng tạo, kết hợp với môi trường làm việc dân chủ, minh bạch đã giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, nỗ lực cống hiến, tích cực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung.

Minh Tuyên

Tin cùng chuyên mục