Phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, trong đó người Kinh chiếm 85,4% dân số, 53 dân tộc thiểu số còn lại chiếm 14,6% dân số cả nước. Sự góp mặt của cộng đồng các dân tộc thiểu số với những nét văn hóa phong phú, độc đáo, đa dạng đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Một trong yếu tố đặc sắc giúp nhận diện các dân tộc đó chính là trang phục.
Liên hoan “Sắc màu trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 18-20/11 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam nằm trong khuôn khổ chương trình tuần Đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022 do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi phía bắc tổ chức.
Ban tổ chức mong muốn liên hoan là hoạt động nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số; tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc khu vực phía bắc trong nền văn hóa đa dạng mà thống nhất của cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị trang phục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam, khơi dậy khát vọng, lòng tự hào về các di sản văn hóa quý báu của mỗi dân tộc.
Liên hoan đã khép lại với nhiều dư âm khó quên. Nhiều người dân bày tỏ mong muốn các hoạt động tương tự sẽ được tổ chức thường xuyên hơn. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy sự quan tâm của cộng đồng đối với công tác tôn vinh, quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc mà Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng.
Từ năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL ngày 18/01/2019 phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay". Thời gian thực hiện của Đề án là từ năm 2019 đến năm 2030 với mục tiêu đề ra là bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu "di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu" góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam; đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.
Hòa nhập nhưng không bị hòa tan
Thực tế hiện nay tại một số cộng đồng người dân tộc thiểu số luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua nề nếp sinh hoạt, lời ăn, tiếng nói cho đến trang phục hằng ngày. Việc giáo dục, trao truyền, gìn giữ những lễ tục truyền thống được duy trì qua các thế hệ, trong gia đình cũng như tại cộng đồng.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận rằng tình trạng kém mặn mà với trang phục truyền thống đang diễn ra tại không ít phum, sóc, bản làng... Vì những lý do khách quan và chủ quan, không ít thanh niên miền núi, vùng sâu, vùng xa đang có xu hướng thích mặc quần bò, áo phông, thậm chí nảy sinh tâm lý tự ti khi khoác lên mình bộ quần áo truyền thống ngay cả trong dịp đặc biệt như lễ tết, hội hè. Thậm chí một số người cao tuổi thay vì mặc trang phục của dân tộc mình thì cũng sắm những bộ quần áo mua sẵn chuyển từ miền xuôi lên vì giá rẻ, và sử dụng tiện lợi. Dần dần những bộ trang phục truyền thống đầy màu sắc của các dân tộc thiểu số trở nên vắng bóng trong đời sống cộng đồng.
Chúng ta có thể thấy rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đây là bởi sự giao lưu hội nhập quốc tế, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền ngày càng sôi nổi, tác động không nhỏ đến nhận thức, nhu cầu, thị hiếu của đồng bào. Mong muốn được làm mới, được thay đổi, được hòa nhập với xu thế chung của xã hội ngày càng gia tăng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhất là ở giới trẻ.
Vấn đề đặt ra ở đây là phải làm thế nào để cùng với sự phát triển chung của xã hội, cộng đồng các dân tộc thiểu số vẫn phát huy được bản sắc, giá trị văn hóa cũng như nét đặc sắc của các bộ trang phục truyền thống trong đời sống hôm nay, bởi đó là một chỉ dấu văn hóa không thể trộn lẫn, mang dấu ấn của lịch sử, tín ngưỡng và khát vọng cao đẹp của từng dân tộc.
Do đó mỗi cộng đồng cần quan tâm, gìn giữ, phát huy những nét văn hóa riêng biệt của dân tộc mình thể hiện trên các bộ trang phục. Đặc biệt vai trò của các già làng, trưởng bản rất quan trọng trong việc tiếp tục khơi gợi, nhân lên niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của đồng bào trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, để quá trình hòa nhập nhưng không bị hòa tan.
Các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia cần xem xét, nghiên cứu bổ sung nội dung bảo tồn trang phục trong các hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa. Cần tăng tính ứng dụng của trang phục truyền thống trong các hoạt động lễ hội, du lịch cần được chú trọng hơn nữa để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ dưới nhiều hình thức. Tận dụng thế mạnh của công nghệ, ngành văn hóa cần quan tâm đẩy nhanh số hóa các các bộ trang phục gốc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng bảo tàng số để phục vụ nhu cầu đa dạng của cộng đồng. Các địa phương cần có hình thức khuyến khích, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có nhiều sáng kiến trong công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết