Quang cảnh hội thảo "Tuy An - Miền di sản".
Hội thảo đã nhận được 30 bài viết, tham luận có giá trị khoa học và thực tiễn với các nhóm vấn đề là nhận diện di sản; bảo tồn di sản; di sản văn hóa ở Tuy An gắn với phát triển du lịch...
Huyện Tuy An cách thành phố Tuy Hòa (trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Phú Yên) 30km về phía bắc, là địa danh có từ năm 1611 khi tỉnh Phú Yên được hình thành trong chiều dài lịch sử mở rộng bờ cõi về phương nam của triều Nguyễn. Huyện Tuy An hiện có danh thắng quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa; 9 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng quốc gia và có trên 25 di tích, danh thắng cấp tỉnh. Nét đặc sắc trong di sản văn hóa ở huyện Tuy An là còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá, phong phú về loại hình; đa dạng về chủng loại.
Theo ông Phạm Văn Bảy - Bí thư Huyện ủy Tuy An, tỉnh Phú Yên, miền đất Tuy An còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể với nhiều hoạt động văn hóa tâm linh, lễ hội truyền thống, làng nghề truyền thống. Di tích khảo cổ thời tiền-sơ sử, thành cổ, mộ cổ, đền thờ danh nhân lịch sử, chùa chiền, nhà thờ, đình làng, lăng, lẫm, miếu, những di vật, cổ vật, những công cụ, nhạc cụ... Tiêu biểu là bộ Kèn đá và Đàn đá Tuy An có niên đại cách ngày nay hơn 2.500 năm được xem là báu vật quốc gia; lễ hội cầu ngư, lễ hội đua ngựa; làng nghề bánh tráng...
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp để các di sản của huyện Tuy An được bảo tồn, gắn với phát triển du lịch. Đây được xem là động lực để xây dựng huyện Tuy An trở thành thị xã vào năm 2025, góp phần để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Phú Yên theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ, ông Trần Thanh Hưng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Yên, huyện Tuy An cần thực hiện số hóa di tích, danh thắng, lễ hội... Sản phẩm số hóa gồm hình ảnh, video, lời giới thiệu bằng các ngôn ngữ và đăng tải trên các nền tảng số; sử dụng mã QR để du khách tìm hiểu thông tin. Đây là để phổ biến rộng rãi các giá trị văn hóa, danh thắng của huyện Tuy An đến với đông đảo bạn bè, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Để huyện Tuy An khai thác tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa của địa phương gắn với phát triển du lịch, bà Hồ Thị Nguyên Thảo - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu: Phải xác định rõ quan điểm phát triển du lịch-dịch vụ trên cơ sở khai thác các di tích, danh thắng là luôn gắn công tác bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; hay nói cách khác phát triển du lịch vì mục tiêu văn hóa và để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa. Chính quyền địa phương cần lồng ghép công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo hướng bền vững; huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư, nhất là nhân dân địa phương để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa.
Gửi phản hồi
In bài viết