Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương, liên hoan diễn ra từ 23-25/11 với sự tham gia của 10 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh.
Bạc Liêu là một trong những chiếc nôi của đờn ca tài tử Nam Bộ. Ông Nhạc Khị là người đầu tiên thành lập Ban cổ nhạc ở Bạc Liêu và Bạc Liêu luôn tự hào về những thành tích của các nghệ nhân, nghệ sĩ cổ nhạc qua các thời kỳ như: Sáu Lầu, Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Năm Nhỏ, Lư Hòa Nghĩa… và đặc biệt là bản Dạ cổ hoài lang.
Có thể khẳng định, chính bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã mở ra một trào lưu sáng tác mới, đồng thời đã bắt mạch, khơi nguồn thêm cho dòng chảy âm nhạc cổ truyền của dân tộc và năm nay tròn 100 năm ra đời của bản nhạc bất hủ này.
Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ được tỉnh Bạc Liêu xác định là một trong nhiều hình thức thể hiện, góp phần bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật đã vinh dự được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trước đó, vào tối 22/11, tại chùa Xiêm Cán của đồng bào Khmer ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức khai mạc Liên hoan nhạc Ngũ âm và Múa dân gian Khmer tỉnh Bạc Liêu năm 2022. Liên hoan nhạc Ngũ âm và Múa dân gian Khmer ở Bạc Liêu lần này thu hút 16 đội đến từ các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh tham gia. Mỗi đội thi diễn 2 phần, gồm: Hòa tấu nhạc cụ ngũ âm và thể hiện các điệu múa dân gian Khmer với thời lượng tối đa 25 phút.
Liên hoan nhằm phát huy nét văn hóa phong phú, độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ; góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Thông qua liên hoan góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng, hình ảnh, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu đến bạn bè gần xa.
Gửi phản hồi
In bài viết