Mùa hè là thời điểm dễ bùng phát nhiều bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa, đường hô hấp. Một số bệnh có số ca mắc cao và dễ bùng phát thành dịch, đó là tay chân miệng, thủy đậu, viêm đường hô hấp, cúm, tiêu chảy do virus, sởi, sốt xuất huyết, viêm não mô cầu, viêm não Nhật Bản…
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc những ngày này, lượt bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa và tuần hoàn máu có chiều hướng gia tăng. Bác sỹ Nguyễn Bảo Đông, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, trung bình mỗi ngày khoa Khám bệnh tiếp nhận trên 300 người đến khám và điều trị. Trong đó nhiều bệnh nhân sau khi mắc Covid-19 có các triệu chứng viêm đường hô hấp, suy giảm chức năng hô hấp, một số diễn biến nặng với biểu hiện như xẹp phổi, dầy dính phổi... Cũng theo bác sỹ, thời tiết nắng nóng cũng là lúc các bệnh về da, bệnh đường tiêu hóa gia tăng đột biến.
Trẻ nhập viện điều trị các bệnh đường hô hấp gia tăng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 140 bệnh nhi đang điều trị nội trú. Đa số bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi; các nhóm bệnh rối loạn tiêu hóa và bệnh về da. Một số bệnh nhi diễn biến nặng do không được chữa trị kịp thời. Chị Giàng Thị Mơ, xã Bình An (Lâm Bình) nói, khi ở nhà con trai 3 tháng tuổi của chị có biểu hiện ho nhiều, khó thở, bỏ bú. Thời điểm nhập viện bé bị suy hô hấp nặng, toàn thân tím tái kèm rối loạn chuyển hóa, nguy hiểm đến tính mạng. Rất may sau khi được các bác sỹ hồi sức tích cực, can thiệp kịp thời, đến nay con chị không phải thở máy nữa, sức khỏe dần ổn định. Chị cũng đã được các y bác sỹ nhắc nhở thường xuyên theo dõi sức khỏe của con bởi bệnh dễ tái phát khi thời tiết nóng ẩm.
Bác sỹ Đỗ Thị Thu Giang, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, một số trường hợp cha mẹ tự ý điều trị bệnh tại nhà cho con không đúng cách khiến trẻ bị nặng hơn. Có trẻ nhập viện trong tình trạng khò khè, thở rít, suy hô hấp, sốt cao; một số trẻ khác có tình trạng nhiễm trùng, bạch cầu tăng cao do cha mẹ tự ý dùng kháng sinh không đúng... Bác sỹ lưu ý, khi trẻ có các dấu hiệu như sốt cao không hạ nhiệt, thở nhanh, khó thở, co giật, tím tái, nôn nhiều hoặc tiêu chảy kéo dài, các bậc phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc hay tự truyền tại nhà.
Theo các chuyên gia y tế, để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè, các bệnh do thời tiết nắng nóng, các bậc phụ huynh cần cho trẻ uống đủ nước, ăn đa dạng các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Bên cạnh đó, cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, giữ gìn vệ sinh cá nhân và hướng dẫn trẻ thực hiện 3 sạch gồm ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và đồ chơi sạch. Đối với người cao tuổi, không nên ra ngoài khi nắng gắt, cần uống đầy đủ nước, bổ sung các loại rau xanh, các loại quả giàu vitamin và khoáng chất trong thực đơn hàng ngày. Người cao tuổi cũng nên tham gia các hoạt động thể dục thể thao vừa sức và tránh tập luyện khi trời nắng nóng gay gắt.
Nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống, ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh, không để dịch chồng dịch, ngành Y tế cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó tập trung vào các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, an toàn vệ sinh thực phẩm. Sở Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở y tế giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly kịp thời và nhanh chóng xử lý các ổ dịch, tránh để dịch bệnh lây lan.
Gửi phản hồi
In bài viết