Dạy nghề hàn cho học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy cũng như triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ người sau khi hoàn thành cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đã được chú trọng.
Anh Nguyễn Văn H, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) hoàn thành cai nghiện tại Công trường 06 huyện từ năm 2006. Trở về địa phương, anh được gia đình, chính quyền và bà con hàng xóm quan tâm động viên về tinh thần. Anh còn được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để học nghề và mở cơ sở sửa chữa xe máy tại nhà. Sau thời gian ngắn anh đã trả xong nợ cho ngân hàng, hiện nay có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Anh H. cho biết, ai đã lỡ dính vào ma túy ngoài sự hỗ trợ của gia đình, chính quyền cần phải có ý chí, quyết tâm để vượt qua và đừng bao giờ đi vào con đường lầm lỡ nữa bởi dính vào ma túy là tự hủy hoại bản thân và gia đình mình.
Tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, việc tổ chức công tác tiếp nhận, quản lý, cai nghiện cho người nghiện ma túy được duy trì hiệu quả nhằm thực hiện cai nghiện, điều trị cho các học viên. Trong quá trình cai nghiện, điều trị tại đây, nhiều học viên đã được dạy nghề theo nguyện vọng đăng ký để sau khi hoàn thành cai nghiện trở về địa phương có nghề nghiệp ổn định, tránh xa ma túy.
Anh Nguyễn Văn Đ, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) từng cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho biết, anh được tham gia học lớp nghề hàn tại Cơ sở cai nghiện tỉnh. Việc mở lớp dạy nghề cho học viên cai nghiện là hoạt động rất ý nghĩa, giúp các học viên có thêm nghề mới để làm lại cuộc đời sau khi hoàn thành cai nghiện trở về với cuộc sống cộng đồng, giúp người sau cai nghiện có việc làm, thu nhập ổn định.
Anh Nguyễn Văn H. ở thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) hoàn thành cai nghiện được hỗ trợ vay vốn
phát triển nghề sửa chữa xe máy đem lại thu nhập ổn định.
Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (gọi tắt là Ban chỉ đạo 138). Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền, cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Phòng, chống ma túy 2021.
Hiện nay, 100% các trường hợp sau khi hoàn thành cai nghiện được Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh bàn giao cho UBND cấp xã quản lý sau cai tại nơi cư trú để tiếp tục theo dõi, giúp đỡ từng cá nhân người nghiện. Từ năm 2008 đến nay, ngành Lao động Thương binh và Xã hội đã tổ chức thẩm định, xét duyệt trên 149 dự án vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm cho đối tượng cai nghiện giai đoạn III, đối tượng được công nhận hoàn thành cai nghiện ma túy với tổng số tiền vay trên 1,6 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 2 năm đầu giai đoạn 2021 - 2025, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức được 4 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 130 học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh với tổng số kinh phí dạy nghề trên 100 triệu đồng.
Ông Đào Minh Khương, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh việc tổ chức điều trị cắt cơn, cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy, cơ sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện mở các lớp đào tạo nghề cho học viên cai nghiện ma túy tại đây. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho học viên sau khi hoàn thành cai nghiện có việc làm ổn định, rời xa tệ nạn ma túy.
Việc triển khai hiệu quả công tác giới thiệu, đào tạo nghề cho học viên sau khi cai nghiện thành công trở về cộng đồng sẽ tạo cơ hội để người sau cai nghiện mở “cánh cửa” mới ổn định cuộc sống, rời xa ma túy.
Gửi phản hồi
In bài viết