Bức tranh kinh tế: Những gam màu tươi sáng

- Phát biểu tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 6 vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đạt 8,08%, đứng tốp 3 trong 11 tỉnh miền núi phía Bắc, đứng thứ 20 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là sự bứt phá mạnh mẽ trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động xấu từ đại dịch, xung đột trên thế giới và giá cả leo thang.

Sự bứt phá mạnh mẽ

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,08% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,77%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,03%, khu vực dịch vụ tăng 7,48%. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 8.200 tỷ đồng, bằng 47,2% kế hoạch, tăng 19,7%; doanh thu xã hội từ du lịch đạt 1.238 tỷ đồng, tăng 16%; tổng mức bán lẻ và dịch vụ xã hội đạt trên 13.784 tỷ đồng, tăng 12%; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 80,9 triệu USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2021…

Sản xuất nông lâm nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh các ngành kinh tế khác gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, những xung đột trên thế giới và giá cả ngày càng leo thang.  Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, vụ xuân 2022 đã thắng lợi toàn diện cả về diện tích, năng suất, chất lượng. Kết quả này khẳng định, sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng yêu cầu về an ninh lương thực trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển.

Công nhân làm việc tại Nhà máy may của Công ty TNHH MTV Seshin VN2 ở Khu công nghiệp Long Bình An.  Ảnh: Huy Hoàng

Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Toàn tỉnh thu hút hơn 1,2 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 1.238 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch năm 2022, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều hoạt động du lịch mới mẻ, hấp dẫn được triển khai, tạo dấu ấn đối với du khách. Đặc biệt, tỉnh tổ chức Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế lần thứ nhất, mở đầu cho Năm Du lịch Tuyên Quang đã thu hút được đông đảo lượng khách đến tham quan, trải nghiệm.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,03%, đây là kết quả của sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nỗ lực của các ngành, địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh đã thành lập các đoàn công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; kiểm tra, chỉ đạo các chủ đầu tư, đôn đốc các nhà thầu thi công tập trung máy móc, nhân công đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công trọng điểm như đường cao tốc Tuyên Quang - Phú thọ, đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn, cầu Xuân Vân, cầu Bạch Xa, đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn... Đến 18-6, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công được 1.108,1 tỷ đồng, đạt 27,6% kế hoạch năm 2022. Hiện tỉnh đang đứng trong danh sách các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước.

Giữ nhịp độ tăng trưởng 

Mặc dù tốc độ tăng trưởng của tỉnh tăng khá cao nhưng vẫn còn một số chỉ tiêu kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra. Đặc biệt là giá trị sản xuất công nghiệp mới đạt 47,2% kế hoạch, do đó trong 6 tháng cuối năm phải có biện pháp quyết liệt để nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Công nhân Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang gia công sản phẩm xuất khẩu.

Đồng chí Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, do những tháng đầu năm dịch Covid-19 bùng phát và giá cả nguyên liệu đầu vào tăng, sản phẩm đầu ra gặp khó khiến một số đơn vị dừng hoạt động, sản xuất cầm chừng nên giá trị sản xuất công nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra. Ngành đã tính toán và triển khai các biện pháp thúc đẩy sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, các sản phẩm có tiềm năng để tăng giá trị trong những tháng cuối năm 2022. Theo đó, ngành làm việc với các doanh nghiệp sản xuất điện để tăng công suất lên 841triệu/kw/h, dự kiến vượt 20 - 30% kế hoạch năm; tạo điều kiện để nhà máy Woodsland Chiêm Hóa đang chạy thử vào hoat động chính thức; thúc đẩy dây chuyền thứ 2 của Nhà máy sản xuất FeroMangan Chiêm Hóa vào sản xuất; đẩy nhanh tiến độ lắp đặt Nhà máy quặng vê viên để đi vào sản xuất… Cùng với duy trì công suất hoạt động của các nhà máy sản xuất công nghiệp quy mô lớn là Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, Nhà máy sản xuất gang thép, các Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Woodsland... Sở sẽ tăng cường kiểm tra cơ sở, tháo gỡ khó khăn phát sinh tại các doanh nghiệp để đảm bảo thông suốt sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giá trị sản xuất công nghiệp đạt 17.520 tỷ đồng năm 2022.

Quan điểm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư” được tỉnh chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt nên đã có chuyển biến mạnh mẽ công tác giải ngân vốn đầu tư công so với những năm trước. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm vẫn chưa đạt kỳ vọng đề ra, vì vậy cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa. Đồng chí Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải khẳng định, đối với các công trình Sở làm chủ đầu tư sẽ tiến hành đẩy nhanh tiến độ thi công; công trình nào vướng mặt bằng sẽ phối hợp với các địa phương giải quyết bằng được để thông tuyến thi công. Đối với 39 cầu trên đường giao thông năm 2022, đến 30-6 sẽ giải ngân đạt 30% kế hoạch và cam kết số vốn được giao năm 2022 sẽ hoàn thành.

Công ty TNHH Hiệp Phú thi công gói thầu số 3 đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.

Cam kết thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Trần Viết Cương, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, 6 tháng đầu năm đơn vị đã giải ngân đạt 50% số vốn được giao. Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn năm 2022, đơn vị đã thực hiện ký cam kết tiến độ với các đơn vị thi công, kiểm tra, chỉ đạo thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ đối với 6 công trình trọng điểm do Ban Quản lý làm chủ đầu tư; bảo đảm tiến độ thi công cho 6 công trình ban nhận ủy thác, quản lý dự án. Ban đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm cho chủ trương về mỏ đất đắp và phương án bù giá vật liệu chênh lệch cho đơn vị thi công để các công trình thi công đúng, đủ tiến độ cam kết.

Quyết tâm giữ nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương, bằng mọi biện pháp tỉnh phải phấn đấu vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đề ra.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục