Bài 1: Tăng trưởng sản xuất công nghiệp dẫn đầu cả nước
Bài cuối: Dồn lực thi công các dự án trọng điểm
Điểm đến ấn tượng
880 nghìn lượt khách du lịch đến với Tuyên Quang, đạt 35,2% kế hoạch năm 2023, tăng 107% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 1 nghìn tỷ đồng, tăng 144,5% so với cùng kỳ năm 2022... là những con số ấn tượng về du lịch trong 3 tháng đầu năm. Đây cũng là năm Tuyên Quang thu hút đông lượt khách du lịch đến với tỉnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Ngay từ đầu năm, du lịch Tuyên Quang đã tạo dấu ấn với khách du lịch nhờ một loạt điểm đến ấn tượng. Từ du lịch lịch sử với những điểm đến đầu xuân tại các khu di tích lịch sử; du lịch lễ hội của cộng đồng các dân tộc trải dài khắp các xã, thị trấn của 7 huyện, thành phố; du lịch nông nghiệp với trải nghiệm săn hoa đào, hoa mận, hoa lê tại các xã vùng cao; du lịch tâm linh với hệ thống đền, chùa, miếu mạo linh thiêng đang được đầu tư, nâng cấp, xây mới, đáp ứng nhu cầu chiêm bái của khách thập phương...
Rộn ràng Lễ hội Đền Thượng, Đền Hạ năm 2023. Ảnh: Quang Hòa
Chị Đinh Thanh Hòa, một khách du lịch đến từ Hòa Bình vừa có chuyến trải nghiệm về nguồn tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào cho biết: Được đến với Tân Trào những ngày đầu năm là trải nghiệm vô cùng ý nghĩa với chị và gia đình. Không chỉ được ôn lại truyền thống quý báu của dân tộc, gia đình chị còn được trải nghiệm những dịch vụ mới của đồng bào Tày ở Tân Lập như ngâm chân thuốc bắc, bơi mảng nghe hát then trên hồ Nà Nưa...
Có thể thấy, tâm lý làm du lịch của các địa phương trong tỉnh giờ đã có những sự thay đổi đáng kể. Thay vì chỉ khai thác những điều sẵn có, nhiều địa phương đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch bài bản.
Huyện Na Hang là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút khách du lịch của tỉnh. 3 tháng đầu năm, đã có trên 87 nghìn lượt khách du lịch đến với địa phương này, doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 100 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên, Na Hang tổ chức Lễ hội hương sắc Na Hang với quy mô lớn cấp huyện. Chỉ riêng trong dịp lễ hội, huyện đã thu hút trên 31 nghìn lượt khách đến tham quan; riêng xã Hồng Thái thu hút trên 8 nghìn lượt du khách đến chiêm ngưỡng hoa lê nở. Doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch của lễ hội ước đạt trên 39,6 tỷ đồng.
Vườn hoa lê thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) là điểm check-in thu hút đông du khách đến trải nghiệm.
Ảnh: Quang Hòa
Thu hút nhờ thay đổi tư duy làm du lịch
Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, con số khách du lịch đến với tỉnh trong 3 tháng đầu năm đã minh chứng, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng làm du lịch ở Tuyên Quang đã đổi mới cách làm để phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19, tạo sự phát triển đột phá cho tỉnh nhà.
Xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, Tuyên Quang đã xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc sắc gồm du lịch hoài niệm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội.
Sản phẩm du lịch đặc sắc, dịch vụ du lịch cũng dần được hoàn thiện. Toàn tỉnh hiện có gần 400 cơ sở lưu trú, trên 70 tàu, thuyền vận chuyển khách du lịch tại lòng hồ thủy điện Na Hang, Lâm Bình; 12 công ty, văn phòng và đại lý lữ hành. Tỉnh đã có 128 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; có ba sản phẩm là cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, bưởi Soi Hà được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý - là những sản phẩm quà tặng du lịch đặc sắc dành tặng du khách.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm gần đây, du lịch Tuyên Quang “được lòng” du khách là nhờ những chính sách thu hút đầu tư vào các vùng trọng điểm du lịch. Sự xuất hiện của một loạt các “ông lớn” như Vingroup, Flamingo… đã giúp hạ tầng du lịch của tỉnh nhà từng bước được hoàn thiện và tiệm cận với các tỉnh đã có truyền thống phát triển du lịch.
Không chỉ vậy, tư duy làm du lịch của các ngành, địa phương đang dần thay đổi theo hướng tích cực.
Du lịch lễ hội là nét độc đáo trong những tháng đầu năm của Tuyên Quang (Trong ảnh: Người dân vui hội chợ Thụt Phù Lưu - Hàm Yên).
Phục vụ khách du lịch đúng dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ du lịch Na Hang sẽ hạ thủy du thuyền có sức chứa 80 hành khách. Khi tham quan trải nghiệm hồ thủy điện Na Hang - Lâm Bình trên du thuyền, du khách sẽ được đến thăm quần thể sinh thái đa dạng, với những cánh rừng nguyên sinh, thưởng thức văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc nơi đây. Cũng trong tour thăm quan, các chương trình nghệ thuật mang đậm nét văn hóa của đất và người Na Hang sẽ được trình diễn. Sự kiện hạ thủy siêu du thuyền tại hồ thủy điện Na Hang - Lâm Bình hiện đang thu hút nhiều sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Địa phương này cũng đang xây dựng Đề án phát triển kinh tế du lịch ban đêm, tạo thêm cú huých để phục vụ khách du lịch được trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất tại vùng “ruộng cuối” này.
Tại huyện vùng cao Lâm Bình - vốn chỉ quen với việc đón khách du lịch vào hè - năm 2023, địa phương này đã xây dựng kế hoạch để kéo khách du lịch trong suốt 4 mùa. Trong đó, quý I là tổ chức các lễ hội xuân đầu năm, quý II sẽ tổ chức hoạt động đua thuyền Kayak, quý III tổ chức Tuần văn hóa du lịch và quý IV sẽ tổ chức giải bóng đá nữ các dân tộc. Đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Năm du lịch Tuyên Quang tổ chức vào tháng 4 năm nay.
Hay như Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Những sản phẩm du lịch mới liên tục được khai thác, từ nghe hát then đàn tính, trải nghiệm bơi mảng trên Hồ Nà Nưa đến các điểm check-in mới được xây dựng đã tạo điểm nhấn đặc biệt, ấn tượng với khách du lịch. Từ điểm du lịch lịch sử ít hấp dẫn, giờ Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã trở thành lựa chọn của đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh ngay từ đầu năm.
Tiếp đà phục hồi của 3 tháng đầu năm, trong tháng 4, Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ II; Hội thảo “Tiềm năng, nguồn lực và thực trạng liên kết phát triển du lịch các tỉnh chiến khu Việt Bắc”, Năm du lịch Tuyên Quang 2023 và trao giải “Giải thưởng phong cảnh thành phố Châu Á” năm 2022 cho “Công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa của núi rừng” sẽ được Tuyên Quang tổ chức, mở màn cho chuỗi hoạt động thu hút khách du lịch kỳ nghỉ lễ dài ngày 30-4 và 1-5.
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 325/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, đưa kinh tế du lịch phát triển bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, gắn với phát huy giá trị di sản, di tích lịch sử, văn hóa và bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh; nâng cao chất lượng các tuyến du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo.
Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện tiêu chí, trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận Khu du lịch Tân Trào trở thành khu du lịch quốc gia; xây dựng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế; phát triển Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch sinh thái quốc gia. Duy trì và nâng tầm Lễ hội Thành Tuyên trở thành lễ hội có quy mô, thương hiệu quốc tế.
Với những nỗ lực của mình, ngành du lịch và các địa phương trong tỉnh đã sẵn sàng cho mục tiêu đón trên 2,5 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023 và từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII của tỉnh.
Bài, ảnh: Trần Liên
(Còn nữa)
Gửi phản hồi
In bài viết