Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Vẫn còn khoảng trống

- Trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 thì những doanh nghiệp sớm triển khai chuyển đổi số sẽ có sức chống chịu tốt hơn và tận dụng những cơ hội phát triển. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp không thể chỉ đầu tư mua sắm ứng dụng trang thiết bị số mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, quản trị…

Để không tụt hậu

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Hữu Thập cho biết, xác định chuyển đổi số là một trong những hoạt động mở đầu quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự chuyển mình của doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới. Hiệp hội đã tiên phong trong công tác chuyển đổi số, việc nhận và phát hành văn bản đến và đi đều thực hiện trên hệ thống điều hành văn bản chung của tỉnh. Toàn bộ việc lưu dữ về dữ liệu và tài liệu của Hiệp hội được số hóa và thực hiện mô hình văn phòng không giấy mực. Hiệp hội tiên phong trong việc thực hiện phần mềm khảo sát trực tuyến DDCI - là Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, cấp huyện thuộc tỉnh…

Thực hiện Nghị quyết 48/NQ-TU, ngày 15-11-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức các buổi tập huấn về chuyển đổi số và có những văn bản gửi các doanh nghiệp trong hiệp hội về công tác chuyển đổi số. Hiệp hội đề ra mục tiêu 100% hội viên trong hiệp hội từ nay đến hết 31-5 thực hiện xong hóa đơn điện tử theo tiến độ của tỉnh. Các hội viên trong hiệp hội đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, mua hàng, bán hàng, quản trị nội bộ, logistics (quy trình từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ), marketing (tiếp thị), trong đó nổi bật nhất là các doanh nghiệp đã sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, thanh toán điện tử, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ, kho hàng... 

Tại nhà máy sản xuất gạch tuynel chất lượng cao Viên Châu - Tuyên Quang, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) đã đầu tư dây chuyền sản xuất theo công nghệ lò vòng với nhiều máy, thiết bị hiện đại. Ông Hà Thanh Luận, Giám đốc nhà máy cho biết, nhà máy có công suất hoạt động 300.000 viên/ngày, tương đương hơn 100 triệu viên/năm. Nếu so với công nghệ thủ công thì để làm ra được số gạch này cần tới cả nghìn người. Nhưng nhờ sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại, nay chỉ cần 60 - 70 người là đã vận hành tốt.

Nhà máy sản xuất gạch tuynel chất lượng cao Viên Châu - Tuyên Quang, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang)
 ứng dụng chuyển đổi số trong vận hành sản xuất.

Theo công nghệ cũ, nhân lực phục vụ cho tổ bốc xếp 32 - 40 người nhưng ngày nay chỉ cần 2 người, mỗi người một ca điều hành máy bốc xếp là đủ. Việc đầu tư dây chuyền hiện đại cũng đi kèm với đó là doanh nghiệp ứng dụng nền tảng công nghệ số để quản lý, điều hành. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí, nguồn nhân lực, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Là một trong những doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số từ rất sớm, Công ty TNHH MTV Bất động sản và Công nghệ Hải Nam (TP Tuyên Quang) vận hành theo mô hình ứng dụng hoàn toàn các công nghệ số. Ông Phạm Đình Duy, Tổng Giám đốc Công ty cho rằng, bước đầu tiên và cũng là quan trọng hàng đầu của chuyển đổi số là cần đổi mới từ tư duy, nhận thức. Các doanh nghiệp cần xem chuyển đổi số là kế hoạch đầu tư chiến lược cả về ngắn hạn và lâu dài. Đầu tư chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp có được lợi thế trong khả năng chống chịu các tác động từ bên ngoài, chẳng hạn như đại dịch Covid-19 và những thay đổi nhanh trong môi trường cạnh tranh hiện nay.

Trong đại dịch nhờ có phần mềm quản lý ERP đa chức năng, đa phòng ban giúp cho công ty giải quyết tất cả các vấn đề từ thu thập, lưu trữ, quản lý và phân tích dữ liệu… từ hoạt động kinh doanh của mình, giúp công ty quản lý đồng bộ, đồng nhất. Cùng với đó, công ty đánh giá, định giá bất động sản, kết nối thông tin qua Big data; thực hiện họp không giấy tờ, họp trực tuyến giúp cho việc hoạt động kinh doanh của công ty đạt hiệu quả ngay cả trong đại dịch.

Khoảng trống

Có thể khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Con đường dẫn lối thành công, thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp là không ngừng tối ưu số hóa vào điều hành sản xuất kinh doanh. Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tạo nên sự bứt phá, rút ngắn khoảng cách.

Công ty TNHH MTV Bất động sản và Công nghệ Hải Nam (TP Tuyên Quang) vận hành theo mô hình
ứng dụng hoàn toàn các công nghệ số.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa nhiều. Qua trao đổi với các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng, không biết phải chuyển đổi số như thế nào, bắt đầu từ đâu và ưu tiên cái nào trước. Bên cạnh đó là những khó khăn trong vấn đề tìm kiếm giải pháp và sản phẩm chuyển đổi số. Điển hình như Công ty Thảo dược Tuệ Tâm, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) là đơn vị sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe với nhiều sản phẩm chất lượng cao nhưng vẫn đang lúng túng trong việc thúc đẩy phát triển trên nền tảng công nghệ số. Chị Bàn Thị Liên, Giám đốc Công ty chia sẻ, chị nhận thấy công ty đã sản xuất được sản phẩm tốt nhưng công tác tiếp thị, quảng bá, phân phối, quản lý vẫn đang thủ công. Chị chưa biết nên thay đổi, bắt đầu từ đâu, với ngành nghề kinh doanh của chị nên kết hợp những nền tảng công nghệ nào để đạt hiệu quả cả về kinh doanh và quản lý.

Mặt khác, đa phần doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nên việc đầu tư tài chính để mở rộng kênh bán hàng, kênh chăm sóc khách hàng, tích hợp tối ưu các công nghệ mới như dữ liệu, bảo mật khách hàng, phương thức điều hành, quy trình làm việc… trở thành thách thức lớn. Nguyên nhân một phần là bởi việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều rào cản khi chi phí cao, thiếu cơ sở hạ tầng và cho rằng đây là “cuộc chơi” của các doanh nghiệp lớn nên vẫn thờ ơ với việc chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp e ngại trong lúc đang loay hoay chuyển đổi số thì dễ bị rò rỉ dữ liệu, gặp khó khăn trong việc thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh, tích hợp các công cụ công nghệ thông tin.

Ông Nguyễn Đức Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Chiến Long, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) chia sẻ, công ty đang nỗ lực hết mình để bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số. Trong hoạt động kinh doanh, công ty đã ứng dụng một số phần mềm kế toán và đang từng bước áp dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư mới. Tuy nhiên, công ty chưa tích hợp tối ưu các công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh để mở rộng kênh bán hàng. Công ty có tệp dữ liệu khách hàng khá lớn nên cũng lo lắng trong quá trình chuyển đổi dễ bị rò rỉ thông tin.

Có thể thấy, sau thời gian sống chung với dịch Covid-19 thì đây vừa là khó khăn vừa là cú huých quan trọng để các doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của chuyển đổi số. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, hiệu quả tối ưu hơn để vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sau đại dịch.  

Bài, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục