Đầu tư hạ tầng vùng khó khăn

- Tỉnh ta đã huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhằm tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư đã đem lại cho các xã, khu vực vùng khó nhiều đổi thay.

Diện mạo mới

Xã Trung Minh (Yên Sơn) có diện mạo mới nhờ được đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng khang trang. Xã đã được đầu tư mới từ trụ sở làm việc, nhà văn hóa xã, trạm y tế, trường mầm non trung tâm, trường tiểu học và THCS và các phân hiệu điểm trường. Hiện nay, 8/8 thôn của xã đều có nhà văn hóa, đoạn đường ĐT 185 đi thôn Bản Khẻ đã được bê tông hóa, hoàn thành công trình đập đầu mối thôn Bản Pình, cầu tràn thôn Bản Pài. Ngoài ra, xã còn bê tông hóa đường bê tông nông thôn, làm kênh mương nội đồng theo phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ" đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển sản xuất của người dân.  

Trở lại thôn Vàng On, thôn khó khăn đặc thù của xã Trung Minh, nơi  có 104 nóc nhà người Mông, người Dao sinh sống mới thấy sự thay đổi rõ rệt. Khác hoàn toàn những năm về trước, giờ thôn có đường ô tô, có nhà văn hóa, có cầu treo qua suối, có lớp học khang trang cho trẻ. Sự đổi thay này là sự đầu tư của Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Giàng Seo Mua, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Vàng On cho biết, từ năm 2015 đến nay, thôn đã được Nhà nước đầu 4 điểm trường, 10 phòng học, nhà văn hóa thôn, cầu treo, cầu tràn, nắn dòng suối…với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Người dân vui nhất là thôn chuẩn bị được lắp đặt hệ thống điện mặt trời sẽ giúp cho người dân được sử dụng điện phục vụ sản xuất, học tập của con trẻ.

Thôn Vàng On, xã Trung Minh (Yên Sơn) được đầu tư cầu treo qua sông.

Xã Hợp Hòa (Sơn Dương) như khoác tấm áo mới khi được con đường lớn được kiên cố hóa, đường thôn bê tông sạch sẽ, trụ sở làm việc, nhà văn hóa xã, hệ thống trường học được đầu tư bài bản. Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa Nguyễn Văn Hiếu cho biết, được sự quan tâm của Nhà nước, tỉnh, huyện đầu tư hạ tầng, Hợp Hòa đã có những bứt phá mạnh mẽ. Các công trình thiết yếu từ xã đến thôn bản đã được đầu tư xây dựng. Đây là tiền đề mở ra hướng phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.    

Ông Phạm Văn Quang, thôn Núi Độc, xã Hợp Hòa phấn khởi cho biết, người dân mừng nhất là được đầu tư tuyến đường kết nối Kỳ Lâm (thị trấn Sơn Dương) - Hợp Hòa- Thiện Kế, đây là sự mong mỏi của người dân các xã trong khu vực nhiều năm qua. Con đường khang trang kết nối với các địa phương tạo ra cơ hội phát triển mới.

Tuyến đường Kỳ Lâm - Hợp Hòa-Thiện Kế xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi có tổng chiều dài toàn tuyến trên 19,7km, chiều rộng nền đường 6,5m, mặt đường 3,5m bằng kết cấu bê tông xi măng. Trên tuyến thiết kế xây dựng 4 cầu Bình Tích, Suối Lẹm, Suối Dò, Suối Đục với kết cấu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Công trình được đầu tư từ nguồn vốn của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ.

Tuyến đường từ UBND xã Hồng Quang đi thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) và tuyến đường từ ngã ba Pác Hóp đi thôn Nà Luông, xã Linh Phú (Chiêm Hóa), 2 địa phương có người dân tộc Pà Thẻn sinh sống vừa được nâng cấp, đưa vào sử dụng tháng 10 - 2021. Mỗi tuyến đường có chiều dài 2,3km; đường rộng 6,5km, mặt đường thảm nhựa rộng 3,5m, tổng mức đầu tư gần 13 tỷ đồng từ nguồn vốn 135. Anh Tái Văn Đức, thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú cho biết, giờ có đường giao thông thuận lợi, đường về thành phố gần hơn một nửa. Trước phải mất nửa ngày mới về đến thành phố thì giờ đi ô tô chỉ gần 2 tiếng đã đến rồi. Từ nay, chè búp, gỗ rừng trồng của người Pà Thẻn làm ra sẽ không lo bị ép giá nữa.

Tiếp tục dành nhiều nguồn vốn cho vùng khó

Giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh đã thực hiện đầu tư và khởi công xây dựng 838 công trình. Riêng từ năm 2020 đến nay, từ nguồn vốn của Chương trình 135, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục đầu tư, hỗ trợ kinh phí trên 118 tỷ đồng cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh để xây dựng 113 công trình hạ tầng gồm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, nhà văn hóa thôn bản, kênh mương nội đồng, thực hiện duy tu bảo dưỡng 35 công trình. Ông Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong những năm tới, Ban tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Cầu tràn qua suối vào thôn Khôn Nà, xã Trung Minh (Yên Sơn) được xây dựng từ nguồn vốn 135.

Quan tâm phát triển cho vùng khó, tỉnh đã dành nhiều nguồn vốn đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch. Hiện nay, nhiều tuyến đường liên kết vùng khó đang được tổ chức thi công trên toàn tỉnh, điển hình như đường ĐH18, ĐH07 qua địa bàn xã Minh Thanh (Sơn Dương) đầu tư sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí 72 tỷ đồng; cải tạo nâng cấp đường Phúc Thịnh - Trung Hà - Bản Ba (Chiêm Hóa) 198 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ đầu cầu Nẻ đến Trường THPT Na Hang (Na Hang) kinh phí 105 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp tuyến ĐT.188 đoạn Km48+00- Km86+300, huyện Chiêm Hóa, huyện Lâm Bình, với kinh phí 598,9 tỷ đồng; Dự án đường giao thông từ xã Tân Long -  Tân Tiến - Trung Trực (Đỉnh Mười) - xã Kiến Thiết (Yên Sơn) kinh phí 160 tỷ đồng…

Cùng với nâng cấp, cải tạo các tuyến đường lớn, tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025, mục tiêu bê tông hóa ít nhất 1.080 km đường thôn và đường nội đồng; xây dựng ít nhất 200 cầu với kinh phí 1.000 tỷ đồng hướng tới tất cả các thôn bản vùng sâu, vùng xa.

Ngoài nguồn vốn Trung ương, tỉnh, huyện thì mới đây, Quyết định số 256 do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký ban hành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, tỉnh Tuyên Quang” sử dụng vốn vay Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) có thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025. Dự án được thực hiện tại 6 huyện của tỉnh gồm: Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn và Sơn Dương, với tổng mức đầu tư 4.893,2 triệu Yên Nhật, tương đương 43,1 triệu USD, khoảng 998,2 tỷ đồng Việt Nam. Dự án được chia làm 9 tiểu dự án. Trong đó, có 6 tiểu dự án cải tạo, nâng cấp 147,1 km đường giao thông tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.

Khi các dự án, công trình đầu tư hạ tầng hoàn thành tại các địa bàn vùng sâu vùng xa tạo sự kết nối thông suốt giữa các vùng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, góp phần bảo đảm công bằng xã hội.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục