Quản lý tài nguyên đất: Ngăn chặn sai phạm ngay từ cơ sở

- Những năm qua, công tác quản lý tài nguyên đất trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế, sai phạm, cần sự quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố, nhằm kịp thời phát hiện và phòng ngừa sai phạm.

Quản lý chặt chẽ từ cơ sở

Công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành thực hiện khá nghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn còn sai phạm như tự ý chuyển nhượng đất; tách thửa, hợp thửa đất sai quy định; cho thuê đất, chiếm dụng đất 5% vẫn xảy ra. Công tác quản lý san lấp đất tại một số địa bàn chưa đảm bảo quy định; sử dụng đất trái mục đích, nhất là đất lâm nghiệp, nông nghiệp còn xảy ra ở một số địa bàn. 

Gần đây người dân thôn Khuân Thê, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) bức xúc phản ánh, khu đất hơn 2 ha Đồi Mỡ (trồng cây mỡ) của HTX Nông nghiệp Phúc Ứng giao cho cá nhân thuê lại. Tuy nhiên, cá nhân đó đã hợp thức hóa thành của riêng với diện tích lên đến 1.735 m2.

Khu vực tổ 17, phường Tân Hà quy hoạch mở rộng trung tâm thành phố Tuyên Quang.

Để làm rõ vấn đề này, hiện nay huyện Sơn Dương đang tiến hành xác minh. Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết: ngay sau khi có phản ánh, UBND huyện đã chỉ đạo cán bộ xuống nắm tình hình và nhận thấy kiến nghị của người dân là có cơ sở. Ngày 7-7-2022, UBND huyện Sơn Dương đã ra quyết định thành lập tổ công tác do lãnh đạo Thanh tra huyện làm trưởng đoàn trực tiếp xác minh nội dung trên. Thời gian kiểm tra là 30 ngày, sau đó sẽ báo cáo các nội dung để có hình thức xử lý.

Là huyện cửa ngõ phía Nam, thuận tiện giao thông nhất tỉnh, huyện Sơn Dương hiện có nhiều dự án công nghiệp tập trung như: Khu công nghiệp Sơn Nam, Cụm công nghiệp Phúc Ứng và tới đây là cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế; Cụm công nghiệp Tam Đa. Tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng là điều kiện để người dân trong huyện phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, đây là thách thức đối với Nhà nước trong công tác quản lý về tài nguyên đất.

Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương chia sẻ, quản lý tài nguyên đất chưa bao giờ dễ dàng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, tốc độ phát triển hạ tầng, kinh tế diễn ra mau lẹ. Xác định được điều này, UBND huyện đã có nhiều giải pháp tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Theo đó, ngoài việc tăng cường tuyên truyền pháp luật về đất đai trên phương tiện thông tin đại chúng, UBND huyện yêu cầu các phòng chuyên môn và UBND cấp xã khẩn trương rà soát, phân loại từng trường hợp vi phạm, dù là nhỏ nhất; đánh giá cụ thể để có biện pháp xử lý phù hợp. UBND huyện kiên quyết ngăn chặn, không để phát sinh vi phạm mới và tồn tại kéo dài. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và pháp luật nếu buông lỏng quản lý, không phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm trên phạm vi quản lý. Lãnh đạo huyện sẽ duy trì kiểm tra thực tiễn với từng địa bàn.

Tại huyện Hàm Yên, đồng chí Nguyễn Duy Hòa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Huyện ủy Hàm Yên đã ban hành văn bản số 64 để lãnh đạo thực hiện công tác quản lý tài nguyên, môi trường trên địa bàn. Trong đó, riêng công tác quản lý đất đai huyện sẽ tập trung lãnh đạo tuyên truyền sâu rộng về Luật đất đai, nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sử dụng tài nguyên đất. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện, phòng chức năng nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hàng năm; rà soát các danh mục công trình không tiếp tục thực hiện để điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch và công khai để tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng quy định; quản lý chặt chẽ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, thị trấn, đất nghĩa trang, ao, hồ… Đồng thời tăng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của nhà quản lý để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện sử dụng hiệu quả tài nguyên đất cho phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Trong 6 tháng năm 2022, huyện xây dựng và công khai kế hoạch sử dụng đất năm 2022, hoàn thiện thủ tục, tổ chức bán đấu giá với 10 lô đất, phê duyệt, chuyển mục đích sử dụng đất cho 11 hồ sơ đủ điều kiện, cấp 71 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, giải quyết 22 hồ sơ đất biến động. Đồng thời, tiếp nhận 837 đơn đề nghị đo đạc trích đo thửa đất… Cơ bản các địa phương trong huyện không phát sinh vi phạm mới về quản lý đất đai.

Gắn trách nhiệm cụ thể

Huyện Yên Sơn đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết tồn tại về vi phạm đất đai trên địa bàn, trong đó tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu rộng chủ trương, kế hoạch xử lý vi phạm đất đai đến cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân. Đồng chí Nguyễn Hữu Phương, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết: người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các vi phạm mới trên địa bàn mà không kịp thời có biện pháp giải quyết. Huyện cũng sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở cấp xã và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất đai ở xã, thị trấn.

Với nhiệm vụ của ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều văn bản về tăng cường, chấn chỉnh quản lý tài nguyên đất trên địa bàn. Đồng thời, Sở ban hành văn bản 797 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa trên địa bàn tỉnh. Văn bản đề nghị UBND huyện, thành phố chỉ đạo các UBND các xã, phường không thực hiện việc chứng thực đối với các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất có dấu hiệu đầu cơ, trục lợi; không được xác nhận hành vi chuyển quyền sử dụng đất dưới hình thức viết tay. Phòng Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chuyên môn trực thuộc không lập thủ tục cho phép chuyển mục đích, tách thửa đất đối tất cả các loại đất tại các khu vực không phù hợp với quy hoạch sử dụng hoặc nằm trong quy hoạch. Việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở phải theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Sở đã tham mưu để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 03, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 61 thực hiện tăng cường toàn diện về công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường. Riêng đối với công tác quản lý đất đai, ngành đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành văn bản số 1193, ngày 9-4-2022 chỉ đạo chấn chỉnh về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Theo đó đã chỉ rõ, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng ngành, các huyện, thành phố trong tăng cường kiểm tra, kiên quyết không công chứng đối với các hồ sơ chuyển nhượng đất có vi phạm, nhất là việc tách thửa, hợp thửa…

Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là tại các khu vực quy hoạch sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại, khu đô thị tại vị trí đất bám trục đường giao thông, lợi thế thương mại cao, quỹ đất ven các trục đường quy hoạch mở mới, khu vực quy hoạch các công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Với các chỉ đạo, giải pháp quản lý chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai ngày càng siết chặt nhằm phát huy đúng nguồn lực tài nguyên đất trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục