Xuất khẩu vượt mục tiêu

- 11 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2022, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, diễn biến bất ổn của thế giới, giảm tốc độ tiêu dùng. Kết quả này đã phản ánh sự chủ động triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hiệu quả và sự nỗ lực của các doanh nghiệp linh hoạt thích ứng với tình hình thực tế, đẩy mạnh xuất khẩu.

11 tháng đã hoàn thành kế hoạch năm

Theo Sở Công Thương, giá trị xuất khẩu của tỉnh 10 tháng ước đạt hơn 138 triệu USD, đạt 93% kế hoạch năm 2022, ước giá trị xuất khẩu tháng 11 đạt 8 triệu USD. Như vậy hết tháng 11-2022, toàn tỉnh sẽ hoàn thành 100% xuất khẩu năm 2022. Trong đó, nhiều sản phẩm vượt mục tiêu đề ra như: Gỗ ván ép, giá trị xuất khẩu đạt trên 6,9 triệu USD, đạt 268% kế hoạch; gỗ tinh chế đạt trên 7,2 triệu USD đạt 144% kế hoạch; bột giấy đạt 3,228 triệu USD đạt 132% kế hoạch; gỗ keo ván sàn đạt trên 1,9 triệu USD; ghế đi bằng gỗ đạt trên 1,3 triệu USD đạt trên 101% kế hoạch; bao bì, nhựa PP đạt trên 2 triệu USD đạt 157% kế hoạch; các sản phẩm khác (tai nghe, vải bạt) đạt trên 19,8 triệu USD... Thị trường xuất khẩu là Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Tây Ban Nha và một số nước khác.  

10 tháng năm 2022, Công ty TNHH MTV MSA-YB tại Khu công nghiệp Long Bình An xuất khẩu đạt 34,3 triệu USD, đạt 80% kế hoạch năm.

Hết tháng 10, Tổng Công ty cổ phần May Tuyên Quang LGG đã thực hiện được hơn 8,5 triệu sản phẩm, doanh thu xuất khẩu đạt 8 triệu USD, hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2022, dự kiến hết năm 2022 vượt từ 25 - 30%. Ông Nguyễn Văn Thư, Tổng Giám đốc Công ty May Tuyên Quang LGG cho biết, ký kết được đơn hàng xuất khẩu ổn định nên đơn vị giữ được nhịp độ sản xuất, tăng ca, tăng thu nhập cho người lao động. Đơn vị đã đạt kết quả sản xuất năm 2022 vượt mục tiêu đề ra. Hiện nay, đơn vị đang nỗ lực tìm kiếm, ký kết đơn hàng cho năm 2023, với mục tiêu nâng giá trị xuất khẩu lên trên 10 triệu USD, tăng từ 10 - 20% so với năm 2022. 

Tổng Công ty May Tuyên Quang LGG là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả trong thời gian qua. Sản phẩm may mặc xuất khẩu sang thị trường các nước Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu. Đơn vị đang tiếp tục mở rộng sản xuất đến các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023.  

Sản xuất sợi của Công ty TNHH Bao bì DHT tại Cụm Phúc Ứng (Sơn Dương).

Công ty TNHH Thuận Gia Thành, Cụm công nghiệp An Thịnh, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) những ngày cuối năm 2022 không khí sản xuất tấp nập. Bà Sùy Thị Mới, Giám đốc Công ty cho biết: Nhờ các chính sách hỗ trợ trồng rừng của Tuyên Quang, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của đơn vị được đảm bảo ổn định, doanh nghiệp cũng không ngừng mở rộng quy mô sản xuất. Bắt đầu hoạt động từ năm 2018 sản xuất ván ép bọc phim công nghiệp cao cấp xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan. Hết tháng 10-2022, sản lượng đạt từ 10 nghìn m3 doanh thu khoảng 50 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 100 lao động. Bà Mới chia sẻ, 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 sản lượng xuất khẩu của công ty vẫn tăng vì chất lượng gỗ ván của Việt Nam nói chung và tỉnh nói riêng được đánh giá tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, giá bán có giảm do xuống  thế giảm tốc của kinh tế thế giới nên sản lượng tăng, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại không nhiều.

Tiếp tục các giải pháp tăng giá trị xuất khẩu

Bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng còn nhiều khó khăn. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh 10 tháng đạt thấp như: Sản phẩm chè xuất khẩu đạt 2,57 triệu USD, bằng 35,4% kế hoạch năm; bột barite xuất khẩu đạt 0,056 triệu USD, bằng 9,4% kế hoạch năm; đũa gỗ xuất khẩu đạt 0,2 triệu USD, bằng 44,3% kế hoạch năm; Angtimoni xuất khẩu đạt 1,21 triệu USD, bằng 62% kế hoạch năm...

Đồng chí Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ, Sở đã tìm hiểu nguyên nhân, tham mưu với UBND tỉnh tháo gỡ sản xuất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khách quan, ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu giảm ở những sản phẩm chủ lực như: Thị trường tiêu thụ chè ảnh hưởng chiến tranh Ucraina với Nga, cước vận chuyển đường biển tăng cao, phân bón tăng quá cao khiến người dân trồng chè không đầu tư; sản phẩm barite, gỗ đũa đặc thù nên thị trường hẹp; sản lượng Angtimoni giảm do điều kiện thời tiết... Vượt mục tiêu giá trị trị xuất khẩu bởi năm 2022 tỉnh đã có thêm nhóm sản phẩm mới xuất khẩu như tai nghe, vải bạt, nhựa PP, bao bì. Từ nay đến cuối năm và cả năm 2023, dự báo tình hình thế giới vẫn đang đà giảm tốc nên việc tìm thêm các thị trường mới, đa dạng sản phẩm xuất khẩu là cần thiết để doanh nghiệp phát triển và đảm bảo giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Sản xuất bạt xuất khẩu tại Công ty TNHH Hitap Việt Nam ở Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).

Sản phẩm tai nghe là một trong những mặt hàng xuất khẩu mới của tỉnh trong năm 2022. Sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy tai nghe Future of sound vina, Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) có công suất thiết kế là sản xuất thiết bị tai nghe đạt 5,1 triệu sản phẩm/năm. Bà Nguyễn Lệ Hằng, đại diện doanh nghiệp cho biết, 10 tháng đã xuất khẩu được hơn 20 triệu sản phẩm. Hiện đơn vị đang tập trung làm đơn hàng 10 triệu sản phẩm cho dịp cuối năm. Dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra năm 2022.

Sản phẩm bột giấy và giấy của Công ty cổ phần Giấy An Hòa vừa được công nhận “Thương hiệu quốc gia Việt Nam”. Đây là cơ hội để công ty mở rộng thị trường xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết, công ty sẽ tiếp tục mở rộng thị trường sang các thị trường nhằm đa dạng khách hàng, đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của doanh nghiệp trong những năm tới. Trong 10 tháng, doanh nghiệp đã xuất khẩu bột giấy được 3,328 triệu USD, đạt 132% kế hoạch năm; sản phẩm giấy in, giấy viết đạt 1,590 triệu USD, đạt gần 50% kế hoạch. Hiện doanh nghiệp đang thực hiện các đơn hàng đã ký.

Với những chính sách thúc đẩy sản xuất của tỉnh, sự giúp đỡ của các ngành chức năng, sự nỗ lực sản xuất các mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu của tỉnh ngày càng tăng, đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.   

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục