Đồng hành cùng nông dân xây dựng quê hương

- Hội Nông dân tỉnh đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Các cấp hội đã luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo động lực cho hội viên nông dân thi đua phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững, chung sức xây dựng quê hương.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh và huyện Na Hang kiểm tra đàn bò giống (do Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tài trợ)
​ trước khi bàn giao cho các hộ nông dân nghèo xã Sinh Long (Na Hang) vay theo phương thức “vay bò, trả bê”.

Làm tốt các phong trào thi đua

Các cấp hội đã tuyên truyền, vận động giúp hội viên nông dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình, huy động nguồn lực to lớn thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới". 9 tháng năm 2021, hội viên nông dân toàn tỉnh đã tham gia được 23.283 ngày công lao động, đóng góp hơn 2 tỷ đồng; nạo vét, tu sửa 247,8 km kênh mương, tự nguyện hiến 7.436 m2 đất để mở đường giao thông nông thôn đi vào vùng sản xuất hàng hóa, sửa chữa 32,3 km đường giao thông; tham gia tu sửa 10 nhà văn hóa. Các cơ sở hội đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân xây dựng 101 công trình vệ sinh, lắp đặt 17 hầm bể Biogas góp phần thực hiện tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể hóa phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” các cơ sở hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tổ chức thu gom rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để đúng nơi quy định. Hội đã xây dựng mô hình điểm “phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn” tại phường Tân Hà (TP Tuyên Quang). Hội Nông dân thành phố tập trung hướng dẫn thành lập mô hình tự quản “Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch” tại các chi hội nông dân tổ 5, phường Ỷ La; xóm 3, xã Tràng Đà; thôn An Phú, xã Thái Long. Đây là cơ sở để nhân ra toàn tỉnh trong thời gian tới.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham gia cùng hội viên nông dân phường Ỷ La (TP Tuyên Quang)
thu gom rác thải nhựa, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Mỗi năm, các cấp hội đều phối hợp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân. Toàn tỉnh hiện có gần 35.350 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Những mô hình tiêu biểu như: mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo hộ ông Hoàng Văn Oanh, xã Hoàng Khai (Yên Sơn), trồng cây ăn quả của hộ ông Trần Quốc Quân, xã Thắng Quân (Yên Sơn)...

Đồng hành cùng hội viên nông dân

Tác động của đại dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ nông sản của hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Hội Nông dân tỉnh đã có những hoạt động ý nghĩa, đồng hành, chia sẻ, tiếp thêm động lực cho hội viên nông dân. Cụ thể, trong tháng 8 và 9, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai thành công chương trình “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch”. Kết quả, các cấp hội đã kết nối tiêu thụ được trên 560 tấn na, nhãn cho nông dân huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa và tiêu thụ cho nông dân các tỉnh Bắc Giang, Sóc Trăng, Đắk Lắk trên 10 tấn nông sản.

Trước đó, tháng 5, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ bà con vùng cách ly ở xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) tiêu thụ trên 10 tấn nông sản, gồm: đỗ đũa, bí xanh, bí đỏ, dưa lê, mướp, cà... Cùng với đó, các cấp hội đã vận động hội viên, nông dân ủng hộ gần 1,8 tỷ đồng và 7,5 tấn lương thực, thực phẩm, 100.000 khẩu trang cho các khu vực cách ly tại tỉnh. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh vận động, tiếp nhận, đóng gói trên 623 tấn thực phẩm, gồm: gạo, lạc, miến, củ quả... của nhân dân trong tỉnh hỗ trợ cho thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành miền Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Anh Nguyễn Công Nghiệp, Giám đốc HTX Chăn nuôi đại gia súc Nghiệp Thành, xã Tân Thành (Hàm Yên)
có thu nhập cao từ chăn nuôi.

Thực hiện chương trình xóa nhà tạm cho hội viên nông dân nghèo, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh phấn đấu xóa 250 nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên nghèo trong giai đoạn 2021 - 2025. Riêng năm 2021, phấn đấu hỗ trợ xóa xong 50 nhà. Trong đó, ưu tiên triển khai tại các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Các cấp hội đã phát huy tốt vai trò đồng hành, giúp tháo gỡ khó khăn về vốn cho hội viên nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, cấp hội đã nhận ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội, duy trì cho vay qua tổ liên kết của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp cho trên 36.100 hộ vay, tổng dư nợ đạt trên 2.260 tỷ đồng. Các cấp hội đang quản lý hiệu quả gần 27,19 tỷ đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp cho 753 hộ hội viên nông dân được tiếp cận vốn vay dễ dàng thực hiện các dự án trồng trọt, chăn nuôi.

Các cấp hội đang trực tiếp quản lý chương trình chăn nuôi trâu, bò sinh sản (chương trình “vay bò, trả bê”) với tổng số bò cho vay ban đầu là 2.414 con, trị giá trên 27 tỷ đồng. Việc các hộ được vay bò, trâu được ví như họ được trao "chiếc cần câu" hiệu quả để vươn lên thoát nghèo. Tổng số hộ được hưởng từ các chương trình cho vay trâu, bò đến nay là 4.446, trong đó đã có 1.423 hộ thoát nghèo.

Hiệu quả các phong trào thi đua, chương trình, hoạt động hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân tỉnh triển khai đã góp phần không ngừng nâng cao đời sống cho hội viên nông dân, tạo diện mạo khởi sắc cho các vùng quê nông thôn.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục