Khai thác hiệu quả hồ, đập thuỷ lợi

- Các công trình hồ, đập thuỷ lợi không chỉ phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thuỷ sản, điều tiết lũ cho hạ du mà còn tạo thêm sinh kế cho người dân ở các địa phương. Từ đó địa phương có thêm kinh phí duy tu, sửa chữa các công trình thuỷ lợi. Tuy nhiên đến nay việc khai thác tiềm năng này vẫn chưa tương xứng.

Đa lợi ích từ việc cho thầu hồ, đập thuỷ lợi

Hiện nay, toàn tỉnh có 459 đập, hồ chứa thuỷ lợi tưới chắc cho 85% diện tích theo kế hoạch gieo cấy của tỉnh, ngoài ra còn phục vụ tưới cho một số diện tích cây trồng màu và cấp nước nuôi trồng thuỷ sản; điều tiết lũ cho hạ du. Diện tích mặt thoáng có thể nuôi trồng thuỷ sản là trên 720 ha. Trước năm 2019 việc thầu hồ thuỷ lợi nuôi trồng thuỷ sản được thực hiện theo Hướng dẫn số 143/HDLS-TC-NN và PTNT do liên sở Tài chính, Nông nghiệp và nông thôn ban hành ngày 21/3/2014 về việc quản lý sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí, tiền nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Theo đó thu từ nuôi trồng thuỷ sản tại hồ chứa thuỷ lợi được thực hiện theo hình thức giao thầu hoặc đấu thầu theo quy định do địa phương quản lý thực hiện; đơn giá hợp đồng giao thầu tối thiểu bằng 5% giá trị sản lượng; thời gian hợp đồng giao thầu, đấu thầu không quá 5 năm. Việc nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo nguyên tắc không gây trở ngại cho mục tiêu chính và không làm ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình.  Do vậy, hầu hết các công trình thuỷ lợi đều cho thầu mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, người dân có sinh kế, Ban Quản lý công trình thuỷ lợi có thêm nguồn thu. Cụ thể, từ năm 2015 đến năm 2019 tổng nguồn kinh phí thu được từ việc kết hợp nuôi trồng thuỷ sản tại các hồ chứa thuỷ lợi là trên 3 tỷ đồng (trong đó năm 2015 thu hơn 387 triệu đồng, năm 2016 thu hơn 624 triệu đồng, năm 2017 thu hơn 780 triệu đồng, năm 2018 thu hơn 663 triệu đồng và năm 2019 thu hơn 543 triệu đồng). Nguồn kinh phí trên chi hỗ trợ công tác quản lý vận hành và chi cho việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên các công trình.

Hồ thuỷ lợi Ngòi Là, xã Trung Môn (Yên Sơn) là một trong những hồ thuỷ lợi lớn nhất tỉnh nhưng đến nay diện tích mặt nước vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Là người thầu hồ thuỷ lợi Ao Quẵng diện tích hơn 2 ha được 10 năm nay để nuôi các loại cá bản địa như: cá trắm, trôi, mè, rô phi…, ông  Lê Văn Khanh, xóm 5, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) cho biết: “Mỗi năm gia đình tôi cũng thu lãi hơn 50 triệu đồng từ chăn nuôi cá và làm dịch vụ câu cá giải trí. Tôi thấy việc cho thầu hồ này tránh được lãng phí đồng thời hồ chứa nước cũng được quản lý, bảo vệ chặt chẽ hơn". 

Theo các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên hồ thuỷ lợi đánh giá, năng suất thuỷ sản đạt từ 10-15 tấn/ha/năm, sau khi trừ chi phí, người dân lãi khoảng 30 triệu đồng/ha. Như vậy, với diện tích hơn 720 ha mặt hồ, nếu khai thác hiệu quả vào nuôi thủy sản sẽ mang lại một khoản thu nhập đáng kể cho người dân. Việc sử dụng lòng hồ chứa nước thủy lợi nuôi cá cơ bản không ảnh hưởng nhiệm vụ công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhiều vướng mắc

Ông Hoàng Đức Trưởng, Phó Giám đốc Ban Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh cho biết, theo Luật Thủy lợi và Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Thủy lợi thì UBND cấp tỉnh thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động cho thuê các hồ thủy lợi vào nuôi thủy sản. Ngoài việc có đơn đề nghị, người nuôi thủy sản cần lập hồ sơ  xin cấp phép thuê hồ thuỷ lợi với các thủ tục như: Sơ họa vị trí khu vực tiến hành các hoạt động đề nghị cấp phép; đánh giá ảnh hưởng của hoạt động đến việc vận hành và an toàn công trình thủy lợi; văn bản thỏa thuận của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; văn bản thỏa thuận về sử dụng đất lâu dài hoặc có thời hạn với chủ sử dụng đất hợp pháp; giấy chứng nhận đăng ký phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện đường thuỷ nội bộ… Theo ông Trưởng, đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có tổ chức, cá nhân hay hồ chứa thuỷ lợi nào được cấp phép nuôi trồng thuỷ sản. Nguyên nhân là do diện tích mặt nước các hồ thuỷ lợi đều có diện tích mặt nước nhỏ, khả năng nuôi trồng hạn chế, người dân chưa tìm hiểu kỹ về Luật Thuỷ lợi và các nghị định mới…

 Ông Lê Văn Khanh, xóm 5, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) khai thác thuỷ sản trên
hồ thuỷ lợi Ao Quẵng, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang).

Với nguyện vọng thầu hồ Ngòi Là 2, xã Trung Môn (Yên Sơn) để đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, Công ty TNHH  Thương mại và dịch vụ Quang Minh Global (Tuyên Quang) đã hoàn thiện thủ tục xin cấp phép nuôi trồng thuỷ sản trên hồ Ngòi Là 2 và công ty đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin thầu lại 86 ha diện tích mặt hồ. Tuy nhiên trong quá trình thẩm định hồ sơ cần bổ sung thêm giấy tờ liên quan đến các quy định của Luật Đất đai và quy định đấu giá, do vậy đến nay việc thực hiện cấp phép nuôi trồng thuỷ sản cho Công ty TNHH  Thương mại và dịch vụ Quang Minh Global vẫn chưa thực hiện được.

Ông Nguyễn Văn Hà (Vĩnh Phúc) thầu hồ Tân Dân, xã Thiện Kế (Sơn Dương) để nuôi cá lồng từ tháng 12-2018, đến tháng 12-2023 hợp đồng thầu hồ sẽ hết hạn. Để được ra hạn thầu hồ ông Hà phải thực hiện thủ tục theo quy định mới của Luật Thuỷ lợi năm 2017. Ông Hà nói: “Với những thủ tục của Luật Thuỷ lợi mới này nếu người dân phải làm thì mất rất nhiều thời gian và phức tạp, khó có thể thực hiện được. Nguồn thu từ chăn nuôi thuỷ sản trên hồ Tân Dân không phải nguồn thu chính của gia đình nên gia đình tôi không làm thủ tục ra hạn thầu nữa”.

 Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nuôi thủy sản trên hồ thủy lợi, chống lãng phí, các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát các quy định hiện hành liên quan đến công tác cấp phép nuôi thủy sản trên lòng hồ, hướng dẫn và khuyến khích người dân thực hiện.

Với tiềm năng về diện tích mặt nước, nếu giải quyết được những khó khăn trên chắc chắn các hồ đập trên địa bàn tỉnh không chỉ bảo đảm nước tưới cho cây trồng mà còn tạo sinh kế cho người dân phát huy tối đa hiệu quả lợi ích từ các công trình hồ, đập mang lại.

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục