Mùa măng Na Hang

- Thời gian này, người dân ở một số xã của huyện Na Hang đang bước vào mùa thu hoạch măng. Mùa măng thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9. Không chỉ là nông sản phụ từ rừng, những năm gần đây người dân coi đây là cây trồng mang lại nguồn thu chính.

Lâm sản phụ, thu nhập chính

Huyện Na Hang hiện có 67.893 ha diện tích đất có rừng, trong đó, rừng đặc dụng là 21.228 ha, rừng phòng hộ là 21.007 ha và 25.657 ha rừng sản xuất. Trước đây, người dân chủ yếu thu hái măng trên những diện tích rừng tự nhiên. Những năm gần đây người dân đã hạn chế thu hái măng tự nhiên mà chủ động lấy giống tre có năng suất, chất lượng cao từ rừng về trồng hoặc tìm mua những giống măng có giá trị kinh tế cao trồng tại các diện tích rừng sản xuất của gia đình. Theo người dân với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp với những cây trồng họ tre, nứa, từ đó người dân đã đưa vào trồng những giống tre có năng suất, chất lượng và giá thành ổn định phát triển thành hàng hóa như: tre bát độ, tre chinh, tre gầy, vầu, tre mai, nứa... Hiện nay, diện tích tre trồng lấy măng toàn huyện khoảng hơn 500 ha, tập trung tại các xã như: Sơn Phú, Đà Vị, Thượng Nông, Sinh Long...

Sơn Phú là một trong những xã đi đầu phát triển trồng cây tre lấy măng làm sản phẩm hàng hóa. Đồng chí Hà Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết, hiện tổng diện tích tre trồng của người dân là trên 200 ha, chủ yếu là tre bát độ và tre chinh tập trung ở các thôn Nà Mu, Nà Lạ, Phia Trang, Nà Cọn. Hiện nay đang bước vào mùa măng, bà con đang tập trung thu hoạch; bình quân mỗi ha tre bát độ cho thu hoạch từ 14 - 16 tấn măng. Một số ít hộ chế biến măng khô, người dân chủ yếu bán măng tươi qua sơ chế cho các thương lái vùng xuôi.

Cây tre bát độ vào vụ thu hoạch măng.

Ông Bàn Dùn Phụng, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú chia sẻ, gia đình ông trồng 3 ha tre bát độ, đến nay mỗi năm, gia đình ông thu hơn 30 tấn măng, thu lãi gần 120 triệu đồng. Ngoài bán củ những tháng không có măng, gia đình hái lá tre bát độ bán cho các thương lái đến thu mua hoặc chặt tỉa những cây già cỗi bán làm nguyên liệu giấy cho Nhà máy Giấy đế Na Hang hoặc bán cho các chủ công trình xây dựng để làm giàn giáo, cốt pha từ đó gia đình có thêm thu nhập. Tre bát độ trở thành cây trồng mang thu nhập chính cho gia đình.

Theo ông Phụng, tre bát độ rất dễ trồng, nhiều người tận dụng đất rừng, đất vườn, nơi có các dòng suối chảy qua hoặc dọc theo các sườn đồi thoai thoải để gây trồng. Tre bát độ có thể trồng bằng hom gốc, hom thân nhưng cách phổ biến nhất là chọn những cây tre tơ tách ra nhân giống. Sau 2 năm chăm sóc, cây bắt đầu cho măng, bình quân mỗi bụi trên 4 năm tuổi cho thu từ 50 - 80 kg/năm; măng ra nhiều nhất vào tháng 6 - 7 âm lịch, rồi kéo dài đến hết tháng 9.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Hiện đang vào vụ thu hoạch măng rộ, từ sáng sớm cơ sở thu mua măng của hộ anh Phùng Thừa Quý, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú đã tấp nập người dân chở măng đến bán. Anh Quý cho biết, gia đình chuyên thu mua măng tươi cho người dân trong vùng, hiện gia đình thu mua với giá  từ 4.000 - 6.000 đồng/kg tùy loại, măng sẽ được sơ chế thành các sản phẩm măng chua hoặc măng ngâm khô bán về các tỉnh vùng xuôi. Hiện mỗi ngày cơ sở thu mua từ 4 - 5 tấn măng của người dân.

Với sản lượng măng tươi hàng năm của huyện là trên 10.000 tấn, tuy nhiên trên 90% chỉ được sơ chế qua và bán tươi nên giá thành chưa cao. Cùng với đó trên địa bàn huyện Na Hang chưa có nhiều cơ sở chế biến măng khô, người dân chủ yếu bán tươi hoặc măng chỉ luộc qua rồi bán lại cho các cơ sở chế biến măng khô tại các tỉnh vùng xuôi; chưa có sự liên kết trong bao tiêu sản phẩm. Nhiều diện tích tre bát độ đã già cỗi, năng suất măng giảm dần không được cải tạo, trồng mới.

Người dân các xã lân cận tham quan mô hình trồng tre bát độ của hộ ông Bàn Dùn Phụng, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang).

Theo ông Chẩu Văn Bích, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, thời gian tới để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây tre, các phòng chuyên môn huyện sẽ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tre, khuyến khích người dân mở rộng diện tích. Xã hướng dẫn các hộ dân liên kết thành lập HTX, công ty chuyên sản xuất, chế biến sản phẩm măng khô; quy hoạch vùng trồng tre gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm, tạo thương hiệu nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra những năm gần đây xuất hiện các mô hình chế biến lá giang xuất khẩu đã mở ra hướng mới đi mới cho cây họ tre nứa.

Anh Giàng A Tọa, thôn Nà Pin, xã Đà Vị cho biết, với kế hoạch sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây tre, năm 2019 anh liên kết với các hộ dân trong và ngoài xã trồng cây tre mai. Các hộ trồng được anh hỗ trợ giống và cam kết thu mua lại toàn bộ sản phẩm măng và lá sau thu hoạch. “Tôi vừa chung vốn đầu tư xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm từ măng tre và lá giang khô. Hiện mỗi ngày tôi thu mua 1 - 2 tấn lá (chủ yếu lá tre bát độ và tre mai) với giá 12.000 đồng/kg và chuẩn bị nhà xưởng thu mua măng tươi chế biến thành sản phẩm măng khô. Tới đây, tôi đầu tư dây chuyền sản xuất đũa từ thân cây tre để thu mua toàn bộ từ măng, thân, lá cho người dân” - anh Tọa nói.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, việc đưa các giống cây tre lấy măng vào sản xuất sẽ mở ra hướng đi giúp người dân nâng cao thu nhập. Đồng thời, hướng đến chế biến sâu sản phẩm măng tre trở thành một sản phẩm đặc trưng theo chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục