Phòng trừ sâu, bệnh hại lúa xuân

- Vụ xuân năm nay, nông dân toàn tỉnh gieo cấy được hơn 18.490 ha lúa, trong đó có hơn 5.639 ha trà chính vụ và hơn 12.855 ha trà muộn. Hiện nay, lúa trà chính vụ đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ nhánh và diện tích trà muộn đang ở giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh. Do thời tiết âm u những ngày qua trên lúa đã xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại đến ngưỡng phòng trừ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa xuân.

Người dân xã Minh Thanh (Sơn Dương) phun thuốc diệt trừ ốc bươu vàng.

Trên cánh đồng thôn Cầu, xã Minh Thanh (Sơn Dương), trà lúa vụ xuân hiện được khoảng 1 tháng tuổi đã phủ một màu xanh, đây là giai đoạn lúa bén rễ, hồi xanh. Nghỉ tay dúi phân cho lúa, bà Nguyễn Thị Khuyên, thôn Cầu cho biết, sương mù dày đặc kéo dài trong nhiều ngày kèm theo rét đậm, rét hại đã khiến một số diện tích lúa mới cấy của gia đình bị táp lá. Do chủ động dẫn nước vào ruộng dưỡng trong thời gian rét đậm, rét hại nên lúa mới cấy của gia đình không bị chết nhưng cây lúa yếu, kém phát triển nên gia đình tăng cường chăm bón bằng phân Kali nén dúi để lúa nhanh chóng bén rễ, hồi xanh. Tuy nhiên, nguồn nước dồi dào, thời tiết ấm dần đã tạo điều kiện cho ốc bươu vàng xuất hiện gây hại lúa non với mật độ 3 - 5 con/m2.

Trên các xứ đồng các xã thượng huyện Sơn Dương dễ dàng nhận thấy tình trạng lúa bị úa vàng do ảnh hưởng của đợt rét đậm rét hại vừa qua. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương, đã có ít nhất 38,2 ha lúa non bị ảnh hưởng và chết, hiện đã được người dân dặm tỉa lại nhưng lúa phát triển chậm. Cùng với đó, thời điểm này trời nồm, độ ẩm trong không khí cao khiến các loại nấm, sâu bệnh phát sinh gây hại cây lúa như bệnh bạc lá, ốc bươu vàng, bọ trĩ, chuột, sâu cuốn lá phát sinh, bà con nông dân cần phải đề phòng.

Chị Nguyễn Thị Thu, cán bộ khuyến nông xã Thiện Kế (Sơn Dương) cho biết, vụ xuân này, xã gieo cấy 265 ha lúa chủ yếu trà chính vụ, hiện lúa đang thời kỳ đẻ nhánh giai đoạn 2. Tuy nhiên, thời tiết nồm ẩm những ngày qua tại một số đám ruộng đã xuất hiện một số loại sâu bệnh hại trên cây lúa như bệnh ngẹt rễ từ 3 - 4% số khóm, vàng lá và rầy trắng nhỏ, rầy nâu gây hại rải rác mật độ nơi cao 2 - 3 con/m2. Hiện xã chỉ đạo khuyến nông cùng người dân bám sát ruộng đồng kịp thời phát hiện các yếu tố bất thường của dịch bệnh hại lúa, từ đó có những biện pháp phòng trừ kịp thời.

Người dân xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) quây bạt che chắn chuột hại lúa xuân.

Trên cánh đồng xã Kim Phú (TP Tuyên Quang), len giữa những ruộng lúa xanh là những diện tích mới được người dân gieo sạ lại. Ông Trần Cảnh, thôn 2, xã Kim Phú cho biết, gia đình đã gieo sạ đến 3 lần lúa mới nảy mầm. 2 lần gieo trước thời tiết rét đậm, rét hại lúa giống hỏng. Lần này, lúa đã lên đều nhưng chuột hại xuất hiện nhiều gia đình đã mua bạt quây kín 3 sào ruộng, cùng với đó đánh bẫy và bả để diệt chuột bảo vệ diện tích lúa xuân.

Theo dự báo của ngành Nông nghiệp, từ nay đến cuối tháng 3, trên diện tích lúa xuân, các đối tượng rày nâu, rày lưng trắng sẽ nở rộ gây hại trên diện rộng. Các bệnh trên cây lúa như đạo ôn lá, đốm nâu, rày, bị trĩ, bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh gây hại lúa... Để ngăn chặn và giảm thiểu dịch bệnh bùng phát, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân cần thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện sâu bệnh hại cần dùng các loại thuốc đặc trị phun trừ. Sau khi phun từ 3 - 5 ngày, tiến hành kiểm tra đồng ruộng, nếu chưa hết sâu bệnh phải tiến hành phun lại lần 2. Thuốc phun lần 2 khác với lần 1. Phun thuốc phải bảo đảm lượng nước ướt đều trên thân, gốc lúa. Nên phun vào chiều mát hoặc sáng sớm, giữ nước trên ruộng từ 5 - 15 cm.

Ngoài ra, từ nay đến thời điểm lúa có đòng già và trổ chín vẫn có thể xảy ra một số sâu bệnh như sâu cuốn lá, bệnh vàng lùn. Khi phát hiện sâu, bệnh, người dân cần tiến hành phun thuốc diệt trừ sớm; bón phân bổ trợ giúp cây lúa khỏe mạnh và tăng sức đề kháng.

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục