Sẵn sàng các biện pháp chống hạn cho cây trồng vụ xuân

- Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang, thời tiết năm 2021 có diễn biến bất thường, tổng lượng mưa trên địa bàn toàn tỉnh phổ biến ở mức xấp xỉ dưới trung bình nhiều năm. Điều đáng quan tâm hơn nữa là mưa phân bố không đồng đều cả về diện và lượng. Chủ động ứng phó, ngay từ đầu vụ sản xuất, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương sử dụng tiết kiệm nguồn nước, sẵn sàng phương án chống hạn cho cây trồng.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có trên 54.000 ha lúa, cây màu và cây ăn quả, trong đó gần 19.000 ha lúa xuân. Chủ động nguồn nước tưới dưỡng cho cây trồng, ngay khi bước vào sản xuất vụ xuân, các địa phương đã thực hiện kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước từ các sông, suối, ao, hồ trên địa bàn và liên tục bổ sung nguồn nước từ các đợt xả nước từ hồ thủy điện để tích trữ phòng chống hạn có thể xảy ra.

Người dân thôn Đồng Dài, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) sử dụng bơm dã chiến
bơm nước tưới dưỡng cho lúa mới cấy.

Tỉnh đã cung ứng, điều tiết đủ nước gieo cấy hết diện tích lúa xuân, song thời điểm này cán bộ Ban Quản lý công trình thủy lợi xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) vẫn tranh thủ từng ngày, từng giờ hồ thủy điện Tuyên Quang xả nước đợt III để bơm về tích trữ vào các ao, hồ. Ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc Ban Quản lý công trình thủy lợi xã cho biết, ngoài 126 ha lúa xuân, người dân Vĩnh Lợi còn trồng các loại rau xanh, đậu đỗ... nên lượng nước sử dụng là rất lớn. Do vậy, ban theo dõi sát lịch xả nước, chủ động kế hoạch bơm tích trữ. Theo ông Ngân, 3 đợt xả của hồ thủy điện Tuyên Quang các trạm bơm trên đều hoạt động hết công suất, nước thường xuyên được bổ sung về các ao, hồ chứa và với lượng nước này sẽ đủ để tưới dưỡng cho cây trồng từ nay đến cuối vụ.

Cũng mới bước vào đầu vụ sản xuất, Ban Quản lý công trình thủy lợi xã Nhữ Hán (Yên Sơn) đã thực hiện nghiêm kế hoạch bơm tưới theo từng khu vực. Nước bơm đến đâu được đưa về từng xứ đồng dưỡng cho diện tích lúa xuân mới cấy. Ông Vũ Văn Huệ, Trưởng Ban quản lý công trình thủy lợi xã cho biết, hồ thủy lợi An Khê là hồ chứa lớn thứ 3 trên địa bàn huyện Yên Sơn, lượng nước tích trữ trong hồ khoảng 1,2 triệu m3, tuy nhiên diện tích tưới của hồ cũng rất lớn khoảng 500 ha đất lúa của 3 xã Nhữ Hán, Nhữ Khê và Mỹ Bằng chưa kể diện tích rau, màu và một số cây hàng năm khác. Do vậy, việc điều tiết nước hiệu quả, sử dụng tiết kiệm ngay từ đầu vụ phải được tính toán, nếu không sẽ khó có thể đủ nước để phục vụ sản xuất cho cả vụ.

Số liệu tổng hợp của Ban Quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh, sau khi cung cấp nước tưới cho cây trồng vụ đông và làm đất, gieo cấy lúa xuân, mực nước tại các hồ chứa thủy lợi quy mô lớn chỉ đạt ở mức 50 - 60% dung tích thiết kế; hồ nhỏ lượng nước tích trữ chỉ còn đạt 30 - 40%, một số hồ chứa xuống cấp đã phải tháo cạn để phục vụ sửa, nâng cấp công trình. Từ nay đến tháng 4, diện và lượng mưa sẽ ở mức thấp nhất trong năm, nhiều khả năng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vụ xuân sẽ gặp khó.

Chủ động, chống hạn cho cây trồng, đặc biệt là diện tích lúa xuân, Chi cục Thủy lợi tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi; xây dựng các phương án tận dụng tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết từ các hồ thủy điện; xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với thực tế của địa phương và năng lực tưới của công trình. Đối với những diện tích cấy lúa không đủ khả năng nước tưới suốt vụ, kiên quyết chuyển sang cây trồng cạn. Diện tích lúa đã cấy, yêu cầu bà con thường xuyên kiểm tra bao, đắp bờ cẩn thận giảm thiểu thất thoát nước. Với cây rau, màu áp dụng biện pháp tưới ẩm, tưới nhỏ giọt bảo đảm mang lại hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước. 

Bà Hoàng Thị Sỹ, Giám đốc Ban Quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh khẳng định, ban đã có văn bản đề nghị các ban cơ sở quản lý chặt, sử dụng hợp lý nguồn nước tại các công trình thủy lợi, đặc biệt là các công trình thủy lợi hồ chứa; nghiêm cấm hành vi tháo cạn hồ chứa để đánh bắt cá và các mục đích khác. Đồng thời, sẵn sàng nhiên liệu, máy bơm dã chiến để bơm tưới cho cây trồng khi gặp hạn.

Đến cuối tháng 2 vừa qua, gần 19.000 ha lúa xuân, 16.000 ha cây ngô, đậu đỗ các loại đã được gieo trồng, bước vào thời kỳ sinh trưởng, phát triển mạnh. Hiện toàn tỉnh chưa ghi nhận diện tích cây trồng gặp hạn.   

Bài, ảnh:  Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục