Sức sống làng chè Trung Long

- Nghề trồng và chế biến chè đặc sản đã gắn bó với người dân thôn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) từ nhiều đời nay. Nhờ chủ trương đúng đắn của tỉnh, cây chè được nâng bước phát triển. Những nương chè xanh ngút tầm mắt, đầy sức sống, mang no ấm về với người dân.

Người dân làng nghề Chè Trung Long thu hái chè.

Thôn Trung Long có 142 hộ, trong đó có 107 hộ trồng và chế biến chè. Đồng chí Vũ Phú Khiêm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trung Long cho biết, cây chè có ở mảnh đất này từ năm 1977. Khi đó, thôn Trung Long còn nghèo, nhà cửa lụp xụp. Để tìm hướng thoát nghèo, một số hộ đã đến các vùng chè lân cận để tìm cành về ươm trồng trên nương bãi. Hợp thổ nhưỡng và được bàn tay con người chăm bón, cây chè bén rễ, cho sản phẩm thơm ngon, độc lạ.

Thế nhưng, do không có kinh nghiệm chăm sóc, cây chè cho năng suất thấp chỉ đạt 7 - 8 tấn chè tươi/ha/năm. Thị trường tiêu thụ còn nghèo nàn, đơn điệu. Đến năm 1990, trải qua những thăng trầm của ngành chè, người trồng chè lại gặp khó khăn bởi giá bán thấp, đầu ra không ổn định. Hàng chục ha chè đã bị người dân chặt bỏ để trồng keo, bồ đề. Số hộ trồng chè giảm từ 50 hộ xuống còn 20 hộ bám trụ với cây chè.

Từ năm 1998 trở đi, cây chè được tỉnh xác định là cây trồng chủ lực, các địa phương tập trung chỉ đạo, hỗ trợ hộ trồng chè thay thế diện tích chè giống cũ, cằn xấu, năng suất thấp bằng chè giống mới có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng năng suất theo hướng sản xuất chè sạch, chè an toàn; tăng cường các hình thức tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu chè.

Để tiến tới sản xuất tập trung, khẳng định thương hiệu của cây chè, 8 hộ dân đã liên kết thành lập Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chuyển giao khoa học, kỹ thuật, một số máy móc để đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm tạo lập và bảo hộ thương hiệu chè xanh Trung Long.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long cho biết, hợp tác xã hiện có 8 thành viên chính thức và 32 thành viên liên kết, với tổng diện tích sản xuất trên 20 ha chè an toàn, trong đó có 5,5 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất 15,1 tấn/ha, doanh thu bình quân đạt 3 tỷ đồng/năm. Không chỉ hỗ trợ thành viên, Hợp tác xã còn là điểm tựa về sản xuất và tiêu thụ cho nhiều hộ trồng chè trong và ngoài địa phương. Hiện, sản phẩm chè xanh hữu cơ của hợp tác xã đã được xếp hạng OCOP 4 sao cấp tỉnh, chè xanh Trung Long xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Gia đình chị Vũ Thị Thảo, thôn Trung Long có gần 2 ha đất đồi, đã từng trồng ngô, trồng mía nhưng đều không hiệu quả. Duy chỉ có cây chè đã tồn tại từ năm 1977 đến nay. Chị Thảo cho biết, nhờ chăm sóc đảm bảo chất lượng, mỗi năm gia đình thu gần 2 tấn chè khô. Chè sản xuất đến đâu có người đặt mua hết đến đó. Với giá bán từ 50.000 - 400.000 đồng/kg, mỗi năm chị bỏ túi  hơn 150 triệu đồng. Trước đây, mỗi khi Tết đến thiếu thốn đủ thứ, phải lo có bữa ăn no, có cái mặc ấm. Nhờ cây chè mà bây giờ Tết đến chỉ lo mặc sao cho đẹp, ăn sao cho ngon.

Đến nay, tổng diện tích chè của toàn thôn là 47,8 ha, chủ yếu là các giống chè đặc sản như Lai 1, Kim Tuyên, Long Vân. Mỗi năm, người trồng chè cung ứng ra thị trường hơn 90 tấn chè khô. Nghề trồng, chế biến chè ở địa phương tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động với thu nhập bình quân đạt hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Với sự phát triển không ngừng của ngành chè ở thôn Trung Long, tháng 12-2021, UBND tỉnh đã quyết định công nhận thôn Trung Long trở thành làng nghề chè.

Được công nhận làng nghề đã tạo động lực cho người dân có ý thức hơn trong xây dựng thương hiệu chè Trung Long. Một số hộ sản xuất đã tự tìm thêm thị trường bằng cách giới thiệu sản phẩm đến một số siêu thị ở Hà Nội, tham gia hội chợ, quảng bá sản phẩm để nhiều người biết đến. Chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, đánh giá số lượng, chất lượng cây chè trên địa bàn. Xã khuyến cáo bà con phải đảm bảo chất lượng, từng bước xây dựng các vùng chè đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Nhìn những dải đồi bát úp tròn trịa, căng mòng màu xanh diệp lục của chè hẳn cuộc sống của người dân nơi này ngày càng no ấm hơn. Không những vậy, trồng chè theo tiêu chuẩn còn tạo không khí trong lành, cơ hội để Trung Long phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Trước kia chưa có dịch, có khá nhiều đoàn khách về đây thưởng lãm đồi chè và mua chè sạch Ngân Trung Long về làm quà biếu người thân. Cơ hội làm giàu đã mở ra và người dân Trung Long năng động sẽ đón cơ hội đó, làm giàu cho quê hương.            

  Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục