Bắt đầu từ tư duy của chủ doanh nghiệp

- Chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là quá trình lâu dài và phức tạp đòi hỏi từng doanh nghiệp cần nhìn nhận, có mục tiêu cụ thể. Việc chuyển đổi số nhanh hay chậm tùy thuộc tư duy và quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp.

Nhận thức đầy đủ hơn về chuyển đổi số

Chuyển đổi số đã đóng góp vào mọi mặt đời sống. Nắm bắt xu thế này, nhiều doanh nghiệp đang dần ứng dụng các phần mềm vào hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh, phân phối, tiếp thị sản phẩm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng sự thay đổi của người tiêu dùng, yêu cầu quản trị kinh doanh trong thời kỳ mới.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc BIDV Tuyên Quang cho biết: hiện đơn vị đã ứng dụng các phần mềm điện tử vào xử lý vận hành doanh nghiệp như phần mềm quản trị doanh nghiệp, phần mềm quản lý khách hàng; ứng dụng chữ ký số, hồ sơ điện tử. Mới hết tháng 3-2021, BIDV đã cho ra mắt dịch vụ Ngân hàng số hoàn toàn mới SmartBanking trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế cho các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây tạo sự trải nghiệm đồng nhất và liền mạch cho khách hàng (omni-channel). Tính năng định danh điện tử khách hàng (eKyc) trên Smartbanking góp phần mở ra xu hướng giao dịch ngân hàng số khép kín 100%, giúp khách hàng có thể đăng ký mở mới tài khoản trực tuyến và giao dịch ngay trên Smartbanking thế hệ mới mọi nơi, mọi lúc mà không mất thời gian tới quầy giao dịch của ngân hàng.  

Cán bộ Phòng khách hàng doanh nghiệp của VNPT Tuyên Quang trao đổi ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

VNPT Tuyên Quang đang thực hiện cấp độ 3, cấp độ cao nhất của chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc VNPT Tuyên Quang cho biết: đừng nghĩ chuyển đổi số là cái gì ghê gớm mà hãy nghĩ đó là những ứng dụng giúp giải phóng sức lao động và thực hiện trên môi trường mạng như chữ ký số, hóa đơn điện tử, hồ sơ điện tử, cao hơn nữa các phần mềm kế toán, nhân sự, quản lý khách hàng... thì việc chuyển đổi số sẽ không áp lực. Đối với VNPT Tuyên Quang, chuyển đổi số đã giúp đơn vị tối ưu hóa kinh doanh ở tất cả các mảng, đơn cử năm 2010 VNPT phải trả khoảng 10 tỷ đồng tiền thuê nhân viên thu cước đến nay chỉ phải chi khoảng 1 tỷ đồng. Như vậy, không chỉ giúp giảm chi phí nhân công mà giúp công tác quản lý doanh nghiệp tối ưu hóa, kiểm soát chặt chẽ.

Giúp doanh nghiệp nhanh chóng bắt nhịp nhanh quá trình chuyển đổi số, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã phối hợp với Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) tổ chức hội nghị hướng dẫn chuyển đổi số trong doanh nghiệp vào trung tuần tháng 7-2022. Tại hội nghị, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục Trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng: “Chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp. Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Chia sẻ về hành trình, chuyển đổi thành công của Rạng Đông tại hội nghị, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho hay: “Kinh nghiệm thành công là chủ doanh nghiệp phải thật sự quan tâm và xem chuyển đổi số là công cụ để thay đổi mô hình kinh doanh. Chuyển đổi số phải được dẫn dắt từ trên xuống và được “thông suốt” đến từng người trong doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp xác định mục tiêu, chiến lược mà doanh nghiệp hướng tới để đưa ra lộ trình từng bước trong chuyển đổi số. Lãnh đạo doanh nghiệp xác định chuyển đổi số không phải chuyện cần hay không mà bắt buộc trong bối cảnh hiện nay. Chuyển đổi số không phải ở công cụ mà là ở tư duy, tư duy đầu tiên phải đến từ người lãnh đạo”.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu để phát triển cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang hiểu về chuyển đổi số một cách phiến diện, mơ hồ. Nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa mấy quan tâm về cơ sở dữ liệu, số hóa các thủ tục, thao tác, công cụ quản lý nhân sự, hệ thống sản xuất, kinh doanh...

Hội nghị tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi số do Sở Kế hoạch - Đầu tư tổ chức trung tuần tháng 7-2022.

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cho biết, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều hiểu tầm quan trọng của công nghiệp 4.0 nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, số hóa cái gì trước, cái gì sau và nên lựa chọn những ứng dụng công nghệ nào cho phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Hơn nữa hầu hết các doah nghiệp của tỉnh nhỏ, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn thấp. Đó là lý do các doanh nghiệp đang phải phải đối mặt với nhiều thách thức trong chuyển đổi số, đặc biệt là chi phí như đầu tư và vận hành. Tiếp đó là các thách thức liên quan nhân lực, nền tảng công nghệ và đặc biệt là tư duy, văn hóa công nghệ số trong doanh nghiệp. Chính vì thế, để doanh nghiệp chuyển đổi số thì cần có sự hỗ trợ của tỉnh, các sở, ngành.

Thấu hiểu những băn khoăn của doanh nghiệp, các đơn vị hỗ trợ chuyển đổi số đã có giải pháp trợ giúp để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc VNPT Tuyên Quang chia sẻ, đơn vị đã có những giải pháp tư vấn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khi mới bắt đầu chuyển đổi số như việc số hóa số liệu, đánh giá quy trình xử lý thông tin trong nội bộ, hệ thống quản lý theo một trình tự phù hợp… của doanh nghiệp sẽ có cán bộ đơn vị hướng dẫn, giúp đỡ trong quá trình làm. VNPT đã xây dựng hệ sinh thái (có nghĩa từ A - Z) hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp và hỗ trợ vận hành, dùng thử 3 - 6 tháng không mất phí.
Cam kết hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh chuyển đổi số, Thiếu tá Vũ Nguyệt Ánh, Phó Giám đốc Viettel Tuyên Quang cho biết: Viettel đang hỗ trợ 1.800 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; trên 1.700 doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và nhiều phần mềm sử dụng khác như ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp, camera hành trình doanh nghiệp vận tải; phần mềm quản lý khách hàng, trả phí cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ... Đó đang được xem là cấp độ I trong chuyển đổi số.  

Hiện nay Viettel là một trong 2 đơn vị viễn thông được tỉnh lựa chọn cung ứng dịch vụ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số. Đơn vị đang nỗ lực, giúp đỡ khách hàng thực hiện chuyển đổi số theo 3 cấp độ là số hóa, quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình kinh doanh sang tự động. Theo đó, Viettel sẽ hướng dẫn, tập huấn cho doanh nghiệp để vận hành các cấp bậc trong chuyển đổi số.

Thiếu tá Ánh chia sẻ, khi khảo sát để giúp đỡ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số thì Viettel cũng nhận thấy có 3 rào cản chuyển đổi số tại các doanh nghiệp là thiếu hạ tầng công nghệ thông tin, thiếu nhân sự vận hành và thiếu kiến thức về công nghệ. Vì thế, Viettel đã có giải pháp để giúp doanh nghiệp tiếp cận được chuyển đổi số đó là hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng điện toán đám mây để tiết kiệm chi phí về công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhân lực và áp dụng những mô hình chuyển đổi số thành công, hiệu quả của các tỉnh bạn mà Viettel thực hiện cho các doanh nghiệp phù hợp, tương đồng...

Tỉnh hiện có 2.300 doanh nghiệp, cùng với sự chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ cao để thích ứng với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tỉnh đang có những hỗ trợ để doanh nghiệp chuyển đổi số như tập huấn, đào tạo nhân lực… để doanh nghiệp chuyển dần các hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống sang các phương thức dựa trên các nền tảng số nhằm chủ động mở rộng thị trường, cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục