Tìm giải pháp ổn định thị trường vật liệu xây dựng

- Thời gian vừa qua, giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng có sự biến động, nhất là giá thép tăng đột biến, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo Tuyên Quang online đã có cuộc trao đổi với ông Hà Quốc Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tuyên Quang.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra thi công tuyến đường dọc hai bờ sông Lô. Ảnh: Việt Hòa

Phóng viên: Xin ông cho biết thực trạng giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Hà Quốc Dũng: Trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đã và đang có những tác động to lớn đến mọi mặt đời sống xã hội ở khắp nơi trên toàn thế giới. Đặc biệt, ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất và lưu thông hàng hóa. Một số ngành như: xuất nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ…bị tác động trực tiếp đã kéo theo hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. 

Theo đó, giá nhiều loại vật liệu xây dựng chủ yếu trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng đều có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhất là giá thép xây dựng tăng đột biến đã tác động tiêu cực đến các hoạt động xây dựng. Qua theo dõi tình hình diễn biến giá cả vật liệu trên thị trường cho thấy, một số mặt hàng chưa được kiểm soát tốt, đặc biệt với mặt hàng thép xây dựng có mức trượt giá rất lớn, biến động liên tục, có thời điểm giá tăng theo từng ngày. Trong đó, tăng cao nhất là sắt thép, chiếm khoảng 20% tỷ trọng xây dựng, nhưng hiện đã tăng từ 40-50% dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Phóng viên: Thực trạng giá một số vật liệu xây dựng tăng như vậy có những tác động như thế nào đối với các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Ông Hà Quốc Dũng: Việc tăng giá nguyên liệu và vật liệu xây dựng, trong đó giá thép tăng cao đột biến trên 40% so với thời điểm cuối năm 2020 nằm ngoài khả năng dự báo, đã tác động rất lớn đến các dự án đầu tư xây dựng đang trong giai đoạn triển khai thực hiện. Việc tăng chi phí xây dựng dẫn đến làm vượt tổng mức đầu tư, dự toán, giá gói thầu xây dựng, làm cho nhiều chủ đầu tư, nhà thầu thi công gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các hợp đồng xây dựng đang triển khai áp dụng theo hình thức trọn gói và đơn giá cố định; đồng thời việc tăng giá vật liệu còn ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, hiệu quả đầu tư của từng dự án, đặc biệt là ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nên có rất nhiều dự án đang bắt đầu triển khai các thủ tục ở giai đoạn chuẩn bị dự án nên hầu hết các dự án sẽ bị ảnh hưởng của việc tăng giá vật liệu xây dựng dẫn đến nguy cơ có thể phải điều chỉnh kế hoạch, chủ trương đầu tư làm kéo dài tiến độ thực hiện dự án, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự toán, giá gói thầu còn gây khó khăn cho việc cân đối, bố trí nguồn vốn cho các dự án, do hiện tại hầu hết các dự án chuẩn bị khởi công trong năm 2021 đã được phân bổ vốn theo kế hoạch.

Việc giá vật liệu tăng đã tác động trực tiếp tới các nhà thầu thi công, nhất là đối với các gói thầu áp dụng hình thức trọn gói, đơn giá cố định thì các nhà thầu đang đứng trước nguy cơ thua lỗ, thậm chí là phá sản là rất lớn. Mặt khác, do trượt giá vật liệu nên một số công trình còn có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng chí Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Tuấn kiểm tra công trình di dân thôn Ngòi Cái, xã Tiến Bộ (Yên Sơn).

Phóng viên: Trước những tác động của giá cả đối với các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, ngành Xây dựng có những giải pháp như thế nào?

Ông Hà Quốc Dũng: Trước tình hình trên, Sở Xây dựng đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến thị trường, tổ chức khảo sát giá vật liệu xây dựng trên địa bàn; kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng cho phù hợp với mặt bằng giá thị trường, phục vụ cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng của các dự án trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng và UBND tỉnh, Sở Xây dựng cũng đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư tiến hành rà soát, đánh giá tác động của dịch Covid – 19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép ảnh hưởng đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn và mức độ ảnh hưởng đến từng dự án, từng gói thầu, từng hợp đồng xây dựng. Trên cơ sở đó đã đề xuất với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành Trung ương báo cáo Chính phủ sớm xem xét, ban hành các chính sách để ổn định thị trường thép xây dựng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, như:

- Cho phép điều chỉnh giá hợp đồng đối với các gói thầu đang áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói và đơn giá cố định do giá thép tăng đột biến để giảm bớt khó khăn cho các nhà thầu xây dựng.

- Bổ sung vốn cho các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương được phân bổ cho các địa phương quản lý.

- Nghiên cứu sửa đổi các quy định về hợp đồng xây dựng, điều kiện áp dụng đối với từng loại hợp đồng, phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng đối với hợp đồng trọn gói và đơn giá cố định trong trường hợp xuất hiện yếu tố giá tăng đột biến nằm ngoài khả năng dự báo.

- Xem xét đưa mặt hàng thép xây dựng vào danh mục hàng hóa do Nhà nước thực hiện bình ổn giá, do giá trị thép xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong chí phí đầu tư xây dựng công trình nên khi có biến động lớn sẽ gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư trong việc kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư kinh doanh bất động sản.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng

Tin cùng chuyên mục