Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp Pháp bày tỏ mong muốn đầu tư và hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam. (Ảnh: Khải Hoàn)
Hội thảo, do Bộ Công thương phối hợp Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris tổ chức, đã thu hút sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp của hai nước hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và xuất nhập khẩu thực phẩm, trong đó có một số doanh nghiệp Pháp làm ăn rất hiệu quả ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Marie-Christine Oghly, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris, phụ trách hợp tác quốc tế, đánh giá cao sự hợp tác của doanh nghiệp hai nước.
Bà cho biết, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Pháp quan tâm và xúc tiến dự án đầu tư cũng như tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam.
Theo bà Marie-Christine Oghly, Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong quan hệ chính trị và hợp tác kinh tế của. Do vậy, các doanh nghiệp Pháp luôn được tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích thúc đẩy hợp tác với các đối tác Việt Nam.
Hợp tác song phương tập trung vào một số lĩnh vực chính như dược phẩm, nông sản thực phẩm ở Việt Nam và xuất khẩu thiết bị điện tử và hàng dệt may sang Pháp.
Ngoài ra nhiều doanh nghiệp Pháp đã chọn đầu tư vào Việt Nam, không chỉ vì đây là thị trường rất tiềm năng mà còn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh ở cả khu vực ASEAN.
Đề cập đến sự phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho biết, một số nông sản đặc trưng của Việt Nam đã tìm được chỗ đứng tại thị trường Pháp như gạo, các sản phẩm từ trái cây... Có được được những kết quả tích cực như vậy là nhờ nỗ lực của cơ quan xúc tiến thương mại ở hai nước và sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp Pháp.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, qua các hoạt động trao đổi, kết nối của doanh nghiệp hai nước trong khuôn khổ của Hội chợ Quốc tế Công nghiệp thực phẩm (Sial 2022) tại Pháp, các doanh nghiệp Pháp đã có thêm nhiều thông tin hữu ích để xúc tiến đầu tư và hợp tác với các đối tác Việt Nam nhằm mở rộng thị trường cho các sản phẩm và công nghệ hiện đại của Pháp và các mặt hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Pháp đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là khi EVFTA có hiệu lực vào năm 2020 và đang phát huy tác dụng tích cực với thương mại song phương hai chiều. Việt Nam là một nền kinh tế mở với 17 hiệp định tự do thương mại, trong đó có những hiệp định quan trọng thế hệ mới như CPTPP, RCEP, EVFTA… sẽ là cơ hội rất tốt cho các nhà xuất khẩu của Pháp.
Tại hội thảo, các cơ quan xúc tiến thương mại cùng doanh nghiệp của hai nước đã trao đổi rất cởi mở, tìm hiểu nhu cầu, năng lực của nhau để tiến tới thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và xuất - nhập khẩu nông sản.
Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam đã đánh giá Việt Nam đang thành công trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ để hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa và đã gia tăng được vị trí của mình trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Hiện có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác để đẩy mạnh dòng chảy thương mại song phương.
Một số doanh nghiệp Pháp làm ăn tại Việt Nam từ nhiều năm qua đã nêu bật những điều kiện thuận lợi gồm chính trị ổn định, chính sách đầu tư ưu đãi, địa lý đa dạng và thị trường tiềm năng để đầu tư vào ngành nông nghiệp ở Việt Nam. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng xanh, sinh thái, có nhiều sản phẩm rất hấp dẫn và chất lượng hàng đầu thế giới như cà-phê, hồ tiêu.
Ông Jean-Luc Voisin (trái), Chủ tịch Công ty Les Vergers Du Mékong, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời cho rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư rất tiềm năng. (Ảnh: Khải Hoàn)
Ông Jean-Luc Vosin, người sáng lập và là Chủ tịch Công ty Les Vergers Du Mékong ở Việt Nam từ năm 2000, đã chia sẻ những thành công trong kinh doanh và một số gợi ý cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản Việt Nam. Nhờ nỗ lực thích ứng môi trường kinh doanh, Les Vergers Du Mékong là công ty đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về hiệu quả xã hội và môi trường. Công ty hoạt động rất thành công trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống có lợi cho sức khỏe, nhờ kết hợp nghệ thuật ẩm thực Pháp tinh tế và nguyên liệu tự nhiên của địa phương ở Việt Nam.
Ông Jean-Luc Voisin gợi ý, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tận dụng được EVFTA thì điều đơn giản đầu tiên, đó là phải có một sản phẩm tốt, đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU. Với các sản phẩm nông nghiệp, dù là cà-phê, chè hay hoa quả, yếu tố đầu tiên sẽ được kiểm tra gắt gao tại châu Âu là các chất hóa học bị cấm, trong đó có hai loại chính, một là các kim loại nặng, hai là thuốc trừ sâu. Việt Nam hiện có nhiều phòng thí nghiệm có thể làm tốt việc kiểm tra chất lượng để tăng cường xuất khẩu nông sản.
Các doanh nghiệp Pháp cho rằng, với điều kiện địa lý đa dạng, Việt Nam đã rất thành công khi trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về hồ tiêu và có đủ khả năng để tăng giá trị xuất khẩu nhiều hơn nữa đối với một số nông sản như cà-phê và trái cây.
Đại diện các cơ quan xúc tiến thương mại và doanh nghiệp Pháp cũng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải biết rõ thị hiếu và nhu cầu ở mỗi thị trường trong khu vực EU để có hướng phát triển và xuất khẩu nông sản phù hợp.
Trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại 2022, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương phối hợp Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bỉ và Hà Lan tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại Pháp, Bỉ và Hà Lan trong thời gian từ ngày 13-22/10/2022. Tham gia đoàn có hơn 20 doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, dệt may, đồ gia dụng…
Gửi phản hồi
In bài viết