Vượt khó làm đường
Năm 2021, huyện Lâm Bình bê tông hóa được 19km đường giao thông nông thôn, đường nội đồng. Năm 2022, huyện tiếp tục đăng ký làm hơn 12km đường giao thông nông thôn, đường nội đồng. Hiện nay, tất cả các tuyến đường trục thôn trên địa bàn các xã đều đã có đường bê tông, tuy nhiên tỷ lệ bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở các thôn vùng cao mới chỉ đạt 50-60%. Do địa hình chia cắt, độ dốc lớn và dân cư sinh sống không tập trung là những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ đường bê tông hóa đạt thấp. Điển hình như 2 thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng xã Xuân Lập, nằm cách trung tâm xã 14km, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%. Từ nguồn vốn các chương trình, dự án đầu tư cho các xã vùng khó khăn như Chương trình 135, Chương trình 30a… một số đoạn đường trục chính của 2 thôn được bê tông hóa nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên chỉ có khoảng 60% đường thôn được bê tông hóa, còn lại các tuyến đường ngõ xóm, đường nội đồng vẫn là đường đất.
Tuyến đường từ xã Khau Tinh đi thôn Tát Kẻ đang được đầu tư xây dựng.
Ông Hoàng Văn Dềnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết, hệ thống giao thông nông thôn được hoàn thiện sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương buôn bán, đời sống người dân sẽ ngày càng được nâng lên. Năm 2022, trên cơ sở nhu cầu của các thôn, xã đăng ký làm gần 1km đường giao thông nông thôn, đường nội đồng. Điểm mới trong năm nay là những thôn khó khăn nhất của xã như Khuổi Trang, Khuổi Củng cũng đã mạnh dạn đăng ký làm đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài đường 2 thôn đăng ký là 500m, trong đó thôn Khuổi Trang 300m, thôn Khuổi Củng 200m. Ông Vàng Seo Sùng, Trưởng thôn Khuổi Củng cho biết, thôn có 95 hộ, 400 nhân khẩu thì có đến 75 hộ nghèo. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2022 thôn quyết định đăng ký bê tông hóa 200m đường nội đồng. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước về xi măng, người dân trong thôn bỏ công sức, cát, sỏi để thi công. Theo ông Sùng, khó khăn lớn nhất với thôn là nguồn cát, sỏi không có sẵn phải vận chuyển từ trung tâm xã lên, đường đi lại không thuận lợi, kinh phí sẽ tăng lên. Nhưng với quyết tâm làm cho được tuyến đường này, người dân đã làm mặt bằng sạch xi măng được cấp về là triển khai ngay.
Gỡ khó trong nhận thức
Nghị quyết 55/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thông qua Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 được các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến đến nhân dân, từ đó người dân nhận thấy được đây là cơ hội để thay đổi diện mạo nông thôn, xây đắp cuộc sống mới.
Năm 2021, huyện Na Hang bê tông hóa được hơn 12km đương giao thông nông thôn, đường nội đồng. Bà Hoàng Thị Huế, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Kham, xã Năng Khả cho biết, việc đưa cơ giới vào khu đồng và vận chuyển nông sản ở cánh đồng của thôn rất khó khăn do không có đường. Thôn quyết định mở 2 tuyến đường nội đồng tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đường mở rộng hơn 3m, do vậy sẽ đi vào phần đất của người dân. Ban đầu vận động người dân hiến đất rất khó khăn do còn tính thiệt hơn. Thôn đẩy mạnh tuyên tuyền trong các buổi họp, rồi đến tận nhà vận động về lợi ích mà chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đường nội đồng mang lại, “mưa dầm thấm lâu”, vì lợi ích chung, các hộ đã hiến hơn 3.000m2. Tuyến đường nhanh chóng hoàn thành trong sự vui mừng của người dân trong thôn.
Tuyến đường nội đồng thôn Nà Kham, xã Năng Khả (Na Hang) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng.
Huyện Na Hang hiện còn 2 thôn chưa có đường bê tông vào thôn là thôn Trung Phìn, xã Sinh Long và thôn Tát Kẻ, xã Khau Tinh. Các thôn này nằm xa trung tâm xã, để làm đường lên thôn cần kinh phí lớn. Cùng với đó là nhận thức của một số người dân chưa cao nên việc bê tông hóa các tuyến đường đang bị “nghẽn”, điển hình là tuyến đường từ xã Khau Tinh đi thôn Tát Kẻ. Từ nguồn vốn di dân tái định cư và lồng ghép các nguồn vốn khác, huyện Na Hang đã tiến hành mở tuyến, bê tông hóa tuyến đường này. Bà Phùng Thị Hoa, Trưởng thôn Tát Kẻ cho biết, thôn có 32 hộ với hơn 100 nhân khẩu chủ yếu là người Tày và người Dao sinh sống. Tuyến đường từ xã vào thôn được mở rộng lên 5m đi qua đất canh tác của người dân, một số hộ do nhận thức chưa cao, không đồng tình hiến đất làm đường. Bà Hoa cho biết, hiện thôn tiếp tục vận động, bằng nhiều hình thức để tuyên truyền tới các hộ. Phấn đấu đường được hoàn thành trong năm nay để đi lại thuận tiện, thúc đẩy sản xuất.
Thời gian tới, các địa phương, nhất là các xã, thôn, bản vùng cao tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của chương trình bê tông hóa đường giao thông, bảo đảm mạng lưới giao thông vươn tới tất cả các miền quê trong tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết