Tự làm phân bón hữu cơ
Câu chuyện tự mày mò, nghiên cứu làm phân bón hữu cơ của anh Phạm Văn Yên, thôn Đô Thượng 6, xã Xuân Vân (Yên Sơn) khiến nhiều người cảm phục. Với khoảng 30 thùng phi nhựa, anh Yên tự làm đủ phân bón cho vườn bưởi da xanh, bưởi đường trên 7 ha của gia đình.
“Mục sở thị” cách làm phân hữu cơ của anh Yên, mới thấy sự sáng tạo của anh trong sản xuất. Mở một hũ ủ phân từ xương gà và cá ra thơm lừng cả khu vườn, làm chúng tôi ngỡ ngàng. Anh Yên dùng tay vớt chiếc xương gà mềm như bún lên phân tích, đây là xương đùi gà mới được ngâm ủ 25 ngày nhưng đã mềm và có thể đem bón cây trồng. Hũ phân này khoảng 50 lít đậm đặc có thể pha ra 300 lít để tưới 300 cây bưởi đủ dinh dưỡng trong 3 tháng phát triển mà không cần dùng thêm phân hóa học gì. Trong phân hữu cơ này, cùng với xương gà là sữa bò tươi, mật mía, đậu tương, vi sinh ủ chung, tạo nên phân hữu cơ hỗn hợp đủ dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.
Anh Phạm Văn Yên, thôn Đô Thượng 6, xã Xuân Vân (Yên Sơn) giới thiệu phân hữu cơ tự làm.
Vườn bưởi da xanh, quả nào, quả nấy bóng, mọng và to hơn hẳn bưởi da xanh trong khu vực. Anh Yên bảo: “Cái khó ló cái khôn thôi. Giá phân bón ngày càng cao, cộng với đất ngày càng bạc màu do dùng phân hóa học khiến cây bưởi có hiện tượng bó rễ. Bao nhiêu công sức, tiền của đổ vào vườn bưởi, giờ không nghĩ cách thì “trắng tay”. Đó là lý do, anh Yên đi khắp nơi học làm phân hữu cơ, xem từng video dạy cách làm phân trên các phương tiện thông tin đại chúng, tìm gặp các chủ vườn để xin kinh nghiệm. “May quá! một lần tình cờ tôi được một chủ vườn giới thiệu cho một loại men vi sinh của Nhật để ủ phân. Về làm theo cách hướng dẫn của họ cũng khá ổn nhưng phân chưa đạt như mong muốn. Sau nhiều đêm mất ngủ, mày mò, tôi đã kết hợp 3 loại vi sinh với nhau và cho ra loại phân hữu cơ như bây giờ. Phân có mùi thơm lại đủ dinh dưỡng” - anh Yên nói.
Mới áp dụng tưới phân bón hữu cơ tự làm 2 năm, vườn bưởi của anh Yên đã có sự khác biệt rõ nét. Lá bưởi xanh đậm hơn, cây có sức sống và cho quả to hơn trước. Trung bình, một quả bưởi da xanh vườn anh Yên đạt 1,8 kg, nhiều quả đạt từ 2,2 - 2,4 kg, đạt loại A. Với giá bán 23 nghìn/kg, một quả đạt khoảng 45 - 50 nghìn đồng. Tiếng lành đồn xa, thương lái, người tiêu dùng đến với vườn bưởi nhà anh Yên ngày càng nhiều hơn. “Họ đến không chỉ mua bưởi mà còn xem thực hư mình có phân bón đặc biệt nữa.” -
Anh Yên chia sẻ. Kết thúc vụ bưởi da xanh năm 2022, anh Yên đã thu được 300 triệu đồng. Anh cho biết, dự kiến 3 năm nữa, vườn bưởi của anh phải cho thu ít nhất 800 triệu đồng vì một nửa diện tích, anh chưa để quả. Anh Yên mong muốn vừa làm giàu cho mình, vừa giúp những người nông dân sống bằng nghề nông nghiệp như anh giàu lên từ nông nghiệp, đảm bảo sức khỏe.
Nâng cao giá trị
Thích ứng với thị trường là vấn đề người nông dân phải nghĩ đến. Đó là cách nông dân Lại Tiến Sơn, thôn Tứ Thể, xã Đại Phú (Sơn Dương) đang làm để tiêu thụ cá thương phẩm của gia đình. Sản lượng gần 800 tấn nuôi ở hồ Hoa Lũng, rộng trên 27,8 ha với nguồn nước tự nhiên chảy từ núi Hoa Lũng sạch, mát nhưng khó tìm kiếm thị trường tiêu thụ do dịch Covid-19. Anh Sơn bày tỏ, gia đình anh nhận thầu đập Hoa Lũng nhiều năm nay, sản lượng cá trong hồ khoảng 800 tấn. Với số cá này được cung cấp cho các tỉnh miền xuôi. Tuy nhiên, từ 2020 do dịch bệnh Covid-19, cá thương phẩm khó bán, lại mất giá.
Anh Lại Tiến Sơn, thôn Tứ Thể, xã Đại Phú (Sơn Dương) lọc cá làm chả.
Trong một lần bắt cá về ăn, cá nhiều quá, anh nghĩ ra việc làm chả ăn dần cho tiện. Lúc này, anh Sơn lóe lên sáng kiến làm chả cá để bán thay vì bán cá tươi. Nghĩ là làm, anh Sơn đã đi học thêm cách làm chả cá ở một số nơi, kết hợp với “bí quyết” làm chả cá của gia đình, anh Sơn đã làm ra món chả cá sẵn tươi, thơm ngon. Anh Sơn bảo, để có sản phẩm như hôm nay cũng thất bại rất nhiều. Có lần cả mẻ cá xay phải đổ xuống ao nuôi ba ba vì bị bở do cách xay không đúng…
Lấy khay chả cá vừa hấp chín từ tủ hơi, anh Sơn giới thiệu: “Chả cá thơm ngon là cá phải chế biến ngay lúc tươi thì mới giữ được độ dẻo. Chả liên kết đẹp, ngon phải thêm chút mỡ lợn đen vùng cao. Chỉ riêng kết hợp với mỡ lợn đã phải làm đến 30 mẻ mới thành công. Các loại mỡ lợn nuôi công nghiệp không làm được, bắt buộc phải là mỡ lợn đen vùng cao Hà Giang mới cho ra chả ngon. Từ khi sản xuất chả cá, sản lượng cá đến tuổi khai thác không còn lo lắng như trước, giá trị kinh tế lại hiệu quả hơn”.
Xã viên HTX chả cá Nga Sơn làm chả cá.
Từ năm 2020 đến nay, anh Sơn đã đầu tư hơn 200 triệu đồng xây nhà xưởng, máy móc phục vụ làm chả cá. Anh thành lập Hợp tác xã chả cá Nga Sơn, liên kết phát triển sản xuất với kỳ vọng đưa thương hiệu chả cá “Nga Sơn” bay xa. Hiện chả cá của Hợp tác xã đang cung cấp cho một số nhà hàng tại Hà Nội, Hà Giang và một số trường học tại huyện Sơn Dương.
Anh Sơn bảo: “Lúc đầu sản xuất chả cá cũng lo lắng lắm! Vì đầu cá, ruột cá, xương cá không biết phải giải quyết thế nào. Sau đó mình nghĩ cách “tiêu thụ” phế phẩm này bằng cách, đầu cá nghiền nuôi ba ba, xương cá nghiền nuôi gà, ruột cá và da cá ủ làm phân tưới cây trồng”. Từ ngày giải quyết triệt để phế phẩm càng làm anh quyết tâm xây dựng “thương hiệu” chả cá Nga Sơn. Anh mong muốn, các cấp ngành trong tỉnh quan tâm giúp đỡ để Hợp tác xã phát triển mạnh hơn.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều nông dân trong tỉnh có cách làm sáng tạo trong phát triển nông nghiệp hướng tới nông nghiệp thông minh. Từ sản xuất nông nghiệp thông minh sẽ tạo ra sản phẩm nông nghiệp tốt, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh phát triển theo chiều sâu.
Gửi phản hồi
In bài viết