Đưa pháp luật đến với người dân
Thượng úy Trần Văn Thông, Phó trưởng Công an xã Đông Thọ (Sơn Dương) chở tôi len lỏi qua con đường rừng ngoằn ngoèo, khúc khuỷu để đi đến từng nhà của thôn Tân An. Nơi đây chỉ có 2 hộ là người Kinh, còn lại là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Anh Thông bảo, thôn này trước đây có 19 hộ dân theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Để đưa những chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với họ gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, Công an huyện Sơn Dương đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an xã thực hiện các hoạt động “4 cùng” là cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với nhân dân. Thông qua các hoạt động cụ thể như: giúp nhân dân làm đường bê tông, xây dựng nhà mới, làm nhà vệ sinh; định hướng người dân phát triển kinh tế... Qua đó, đã tạo được sự tin tưởng trong lòng nhân dân.
Công an xã Đông Thọ (Sơn Dương) thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật cho người Mông tại thôn Tân An.
Các hoạt động tuyên truyền pháp luật được khéo léo lồng ghép vào những buổi tiếp xúc cử tri, cuộc họp thôn. Nhờ vậy, 19 hộ dân theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã tự nguyện ký cam kết không theo các tổ chức bất hợp pháp, tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Bà Lý Thị Sáu, thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương) cho biết, sau khi được cán bộ tuyên truyền chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước chúng tôi cũng hiểu hơn về quyền lợi, trách nhiệm của bản thân mình. Gia đình bà Sáu cũng nhận được sự hỗ trợ về con giống, cây giống để phát triển kinh tế.
Đối với huyện vùng cao Lâm Bình, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 78,9%, trong đó, chủ yếu là rừng phòng hộ. Trong năm 2022, trên địa bàn huyện có xảy ra một số vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp. Nguyên nhân được đánh giá là người dân sống gần rừng còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất nên cố ý xâm hại rừng để khai thác lâm sản, lấy đất sản xuất. Nhu cầu sử dụng và lợi nhuận thu được từ việc khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép rất cao, đặc biệt là đối với các loại lâm sản quý hiếm, mặt khác đại bộ phận người dân sinh sống tại các khu vực nhiều tài nguyên lâm sản quý hiếm là đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn trong đời sống, kinh tế và nhận thức về pháp luật. Đồng chí Nguyễn Văn Toán, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lâm Bình cho biết, trong các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thì công tác tuyên truyền được lực lượng Kiểm lâm luôn chú trọng thực hiện. Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm Lâm Bình đã tổ chức trên 50 buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng cho 4.238 lượt người dân. Đặc biệt, các hoạt động tuyên truyền được lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp với thực tiễn cuộc sống và trình độ của đồng bào các dân tộc nhằm khuyến khích, thu hút được đông đảo người dân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Lâm Bình tuyên truyền Luật Lâm nghiệp cho người dân tại xã Hồng Quang.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Để đưa pháp luật đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Tư pháp đã thực hiện Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”. Sở Tư pháp đã tổ chức 2.801 buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý lưu động cho trên 96 nghìn lượt đồng bào dân tộc thiểu số; biên soạn, cấp phát 720 nghìn bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật; định kỳ hàng tháng biên soạn tài liệu tuyên truyền pháp luật đăng tải trên các trang thông tin điện tử để các cơ quan, đơn vị khai thác, thực hiện tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các nội dung tuyên truyền tập trung về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi như: Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai; bồi dưỡng, cập nhật bổ sung kiến thức và kỹ năng tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục lạc hậu; vấn đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Huyện Na Hang có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số trên 80%. Để công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật giáo dục cho đồng bào các dân tộc được hiệu quả, huyện đã có nhiều giải pháp như đẩy mạnh xây dựng quy ước cơ sở, các thôn, tổ dân phố đã và đưa vào áp dụng thực hiện. 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Na Hang đều đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, củng cố, kiện toàn và nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Xã Sinh Long là một trong những địa phương có tình trạng người dân vi phạm lâm luật diễn ra khá phổ biến, còn có hủ tục, tảo hôn... Trước thực trạng đó, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Đảng ủy, chính quyền xã củng cố, kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật; tập trung chỉ đạo và tổ chức các buổi tuyên truyền miệng thông qua các cuộc họp thôn, tới từng hộ dân, từng đối tượng. Hàng năm, xã đã tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm pháp luật. Cùng với đó xã đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho bà con quản lý. Đồng chí Hoàng Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long cho biết, xã có quy định mỗi cán bộ, công chức xã phải dành 2 ngày trong tuần để xuống thôn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Với những hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đa dạng, phù hợp cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các hành vi vi phạm pháp luật trong vùng dân tộc thiểu số giảm hẳn, các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy, nhiều hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ. Hiện các ngành, địa phương đang tiếp tục nhân rộng những cách làm hay, để người dân tiếp cận pháp luật đồng đều và áp dụng hiệu quả vào cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết